Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi
Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Trẻ nhập viện do bệnh sởi tăng
Tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, số lượng trẻ đến khám bệnh sởi tăng đáng kể, mỗi ngày từ 10-20 trường hợp. Bác sĩ Nguyễn Thị Mới-Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi tỉnh) thông tin: 10 ngày qua, số ca mắc sởi tăng đáng kể. Khoa đang tiếp nhận và điều trị cho hơn 40 ca, hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi; trong đó có 6 ca chuyển nặng do trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Thời điểm này năm ngoái, Khoa không ghi nhận ca mắc sởi nào.
Chăm sóc cháu đang điều trị bệnh sởi, bà Phạm Thị Qua (tổ 1, thị trấn Chư Sê) cho biết: “Cháu tôi mới 7 tháng tuổi chưa đến độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, do đó cháu bị bệnh nặng hơn. Cháu điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh đã được 1 tuần, hiện sức khỏe đã ổn định hơn”.
Còn chị Vũ Thị Huyền Trang (tổ 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) thì chia sẻ: “Con tôi mới 7,5 tháng tuổi nên chưa tiêm vắc xin sởi. Khi mắc bệnh, cháu bị nặng và biến chứng qua viêm phổi. Được các y-bác sĩ chăm sóc, điều trị kịp thời, cháu đã hết sốt và đang dần hồi phục”.
Theo bác sĩ Mới, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Nhiều người chủ quan cho rằng bệnh sởi ít nghiêm trọng, nhưng thực tế, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm làm viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, màng não, tiêu chảy, viêm loét giác mạc dẫn đến mù lòa, thậm chí tử vong, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ dưới 5 tuổi.
“Bệnh sởi có tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn so với bệnh cúm và thủy đậu. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, thậm chí có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc với đồ vật, vật dụng có chứa dịch tiết mang vi rút, sau đó đưa tay lên mắt, mũi miệng… Các trường học, nhất là trường mầm non nếu có học sinh mắc sởi thì rất dễ lây lan”-bác sĩ Mới thông tin.
Nhanh chóng triển khai biện pháp phòng bệnh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu tháng 10, số ca mắc sởi bắt đầu gia tăng. Từ đầu năm đến tháng 8-2024, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 4 ca thì nay đã lên 110 ca và 140 ca sốt phát ban nghi sởi. Hiện nay, các ca bệnh được phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời. Các ổ bệnh được xử lý triệt để.
Ngoài ra, tỉnh tăng cường chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella nên hầu hết trường hợp được tiêm khi mắc bệnh cũng hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi trong cộng đồng vẫn rất lớn.
Để phòng bệnh sởi, người dân cần rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với người bệnh; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc khi chăm sóc người bệnh; vệ sinh nhà cửa, đồ dùng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Ngoài ra, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi như: sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, phát ban… cần đưa đi thăm khám, điều trị kịp thời và cách ly để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.
Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho hay: Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi được triển khai từ tháng 10-2024.
Mục tiêu của chiến dịch là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng-chống dịch, giảm tỷ lệ mắc và tử vong.
Hiện đã có 75% trẻ trong độ tuổi được tiêm vắc xin sởi-rubella và 98% nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định.
“Sởi có chu kỳ bùng phát bệnh 4-5 năm 1 lần. Để ngăn ngừa bệnh hiệu quả, cộng đồng cần đạt tỷ lệ miễn dịch ít nhất 95%. Vì vậy, ngành Y tế tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ để chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi tại tỉnh đạt mục tiêu có từ 95% đối tượng được tiêm đủ mũi vắc xin sởi-rubella theo quy định; đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng”-ông Đồng nói.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/canh-bao-nguy-co-bung-phat-benh-soi-post302501.html