Cảnh báo thủ đoạn giả là thám tử nhắn tin đe dọa tống tiền
Ngày 9/12, theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh mới xuất hiện tội phạm chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả là thám tử nhắn tin đe dọa tống tiền. Để phòng ngừa tội phạm, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cảnh giác với những tin nhắn, cuộc gọi lạ gửi qua điện thoại.
Theo khuyến cáo của cơ quan công an, khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi có nội dung đe dọa tống tiền, người dân cần bình tĩnh, không hoảng sợ, cần nói cho người trong gia đình biết và trình báo ngay với lực lượng công an, chính quyền địa phương hoặc Đường dây nóng Công an tỉnh qua số điện thoại: 02373.725.725 để được hướng dẫn giải quyết.
Người dân không làm theo yêu cầu của các đối tượng, ví dụ như: yêu cầu tiền chuộc; chuyển tiền để điều tra, chứng minh vô tội; truy cập vào đường link web; cài ứng dụng (app) để xác minh thông tin, bảo mật…
Trước đó, qua nắm bắt thông tin, thời gian vừa qua, một số công dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung xưng là thám tử, thông báo đã thu thập thông tin đời tư, hình ảnh nhạy cảm, chứng cứ phạm tội và đe dọa sẽ tung lên mạng để yêu cầu người nhận được tin nhắn phải chuyển tiền để giữ bí mật.
Ngày 6/12/2024, một số người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trình báo là nạn nhân của một tin nhắn đe dọa tống tiền qua điện thoại. Nạn nhân bất ngờ nhận được tin nhắn với nội dung: “Xin chào, tôi là thám tử tư, được sự ủy thác của khách hàng và sếp giao nhiệm vụ theo dõi bạn từ lâu. Qua thu thập chứng cứ, tôi đã tìm ra bằng chứng về lối sống và các vấn đề phạm tội của bạn. Đáng lẽ tôi phải chuyển thông tin này cho sếp của tôi, sự việc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn, vì lý do bảo mật nên tôi chụp ảnh màn hình để gửi thông báo cho bạn. Tôi nghĩ bạn sẽ đối xử lịch sự với tôi chứ? Tôi cho rằng bạn cũng không muốn tôi giao thứ này cho sếp của tôi phải không? Hãy chuẩn bị sẵn số tiền 2 tỷ và liên hệ với tôi nhanh nhất có thể. Nếu bạn không muốn scandal của mình xuất hiện trên nền tảng trực tuyến thì hãy liên hệ...”. Kèm theo nội dung tin nhắn là hình ảnh chụp màn hình giống với hình ảnh trong một đoạn video nhạy cảm để đe dọa. Thông tin, hình ảnh của nạn nhân được kẻ gian thu thập từ nhiều nguồn khác nhau: Mạng xã hội, địa chỉ trang web, trang thông tin điện tử, nơi công tác, làm việc...
Tiếp đến các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo cắt ghép khuôn mặt của nạn nhân rồi ghép vào các hình ảnh từ các clip trên internet có nội dung nhạy cảm. Cuối cùng, “thám tử” giả yêu cầu chuyển một khoản tiền lớn vào tài khoản ngân hàng không chính chủ hoặc yêu cầu chuyển bằng tiền ảo để chuộc hoặc ngăn không phát tán các clip, hình ảnh này.