Cảnh báo: Thuốc lá điện tử nguy hại không kém thuốc lá thông thường

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo thuốc lá điện tử, trên thực tế, nguy hại không khác gì thuốc lá thông thường. WHO kêu gọi chính phủ các nước nên cấm hoặc quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Hiện nay, sử dụng thuốc lá khá đa dạng: hút trực tiếp, nung nóng, thuốc lá điện tử…Tuy nhiên, theo bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế Thế giới) thì dù dưới dạng nào, bản chất độc hại nghiêm trọng của thuốc lá vẫn giống nhau.

Thuốc lá điện tử đang được giới trẻ ưa chuộng, dù rất nhiều thông tin đã khuyến cáo là độc hại không thua thuốc lá điếu. Ảnh IT

Thuốc lá điện tử đang được giới trẻ ưa chuộng, dù rất nhiều thông tin đã khuyến cáo là độc hại không thua thuốc lá điếu. Ảnh IT

Cũng theo bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, thuốc lá hiện nay, nếu xét về nguyên lý vận hành, có hai dạng cơ bản: thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử lại chia ra thành nhiều loại khác nhau: dùng dung dịch, đốt sợi, thuốc lá bằng pin và thuốc lá điện tử hỗn hợp (có thể dùng cả dung dịch và có thể đốt được sợi thuốc lá bằng pin).

Hình thức có loại dùng một lần không sạc được và sạc được nhiều lần.

Nhóm điếu sạc nhiều lần lại có nhiều loại, có thể thay ống dung dịch, nạp lại dung dịch, pha trộn muối nicotine…

Về thương hiệu, nhãn mác thì hiện nay thượng vàng hạ cám, nhiều không kể hết.

"Các loại thuốc lá điện tử cơ bản trên thực tế vẫn vô cùng độc hại. Nhưng không hiểu sao và từ đâu lại đang được quảng bá rộng rãi rằng nó không độc hại hoặc là ít độc hại hơn thuốc lá thông thường", bác sĩ, thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm khuyến cáo.

Đa dạng mẫu mã bán trên thị trường. Ảnh IT

Đa dạng mẫu mã bán trên thị trường. Ảnh IT

Nguyên nhân thuốc là điện tử độc hại không kém thuốc là thông thường bởi nhiều lý do:

Thứ nhất dung dịch tạo mùi của thuốc lá điện tử đang lưu hành trên thị trường hiện nay rất khó kiểm soát. Hiện nay ít nhất có tới hơn 20 ngàn hương vị. Nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất, hàm lượng, chất lượng thành phần của các hương liệu này đều không rõ ràng. Về cơ bản, đó là các chất hóa học hướng vị. Khi các chất này được trộn với các chất khác đóng vai trò dung môi cho nicotine, như Propylene Glycol hoặc Glycerin, trong môi trường nhiệt độ cao, sẽ phát sinh thành các chất độc hại.

Các nghiên cứu đã chứng minh, trong quá trình đốt các dung dịch tạo khói, tạo mùi hoặc đốt các sợi thuốc, thuốc lá điện tử có thể phát thải ra các chất như Acrolein, Volatine Organic Chemical, Acetaldehide, Carbone Monoxide, Policyclique Aromatic Hydrocarbone, Nicotine, Formadehide… Trong số này, có nhiều chất đã được xác định là tác nhân gây bệnh ung thư.

Nguy cơ mắc ung thư đối với người sử dụng thuốc lá điện tử phụ thuộc vào cách hút và tần suất hút. Điều nguy hiểm là với các chất hướng vị, tạo mùi phong phú và hấp dẫn, người sử dụng đang có xu hướng dùng thuốc lá điện tử ngày càng nhiều với tần suất hút ngày càng gia tăng.

Thống kê trong nội địa nước Mỹ của cơ quan quản lý thực phẩm và chất kích thích của Hoa Kỳ (FDA) cho thấy, tính đến đầu năm 2020, có tới gần 3 ngàn trường hợp bệnh nhân phổi có liên quan tới thuốc lá điện tử phải nhập viện, trong đó, 15% dưới 18 tuổi; 37% từ 18 đến 24 tuổi. 68 ca tử vong có liên quan tới thuốc lá điện tử cũng đã được ghi nhận ở 29 tiểu bang của Mỹ.

Thứ hai từ thuốc lá điện tử là nguy cơ phát nổ của pin. Thực tế có không ít trường hợp cấp cứu vì nổ pin thuốc lá điện tử đã được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu. Các vụ nổ làm cho người sử dụng bị thương ở răng, miệng, quai hàm, mắt, mũi…

Thứ ba, dung dịch và sợi thuốc dùng cho thuốc lá điện tử rất dễ bị trộn các chất ma túy gây nghiện. Các chất ma túy phổ biến thường được trộn vào sợi thuốc và dung dịch thuốc lá điện tử là Canabis và Marijuana. Cùng với Nicotine, các chất này tác động xấu tới não bộ của thanh, thiếu niên và thai nhi.

Do tính chất nguy hại của thuốc lá điện tử, chính quyền nhiều nước đã có lệnh cấm. Hơn 30 quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thuốc lá điện tử. Ở khu vực châu Á, có Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc...

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo thuốc lá điện tử, trên thực tế, nguy hại không khác gì thuốc lá thông thường. Đồng thời, kêu gọi chính phủ các nước nên cấm hoặc nên quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là việc sử dụng thuốc lá điện tử của giới trẻ.

Còn ở Việt Nam, theo Chương trình Phòng chống Tác hại Thuốc lá Quốc gia (Vinacosh), ở Việt Nam, hiện chưa có phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm thuốc lá điện tử.

Việt Nam chỉ đủ khả năng kiểm nghiệm được hàm lượng Tar và Nicotine trong thuốc lá điếu, trong khi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, với hơn 20 ngàn hương liệu, còn có nhiều loại chất độc hại khác mà thuốc lá điếu không có.

Vậy nhưng, một số công ty đa quốc gia đang tìm cách vận động để thúc đẩy việc cho phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng một cách chính thức tại Việt Nam.

Linh Đan

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/canh-bao-thuoc-la-dien-tu-nguy-hai-khong-kem-thuoc-la-thong-thuong-d7840.html