Cảnh giác với biến chứng khôn lường của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu xuất hiện thời gian qua với diễn biến phức tạp tại Hà Giang, Điện Biên và đã ghi nhận 3 ca tử vong. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể làm bệnh nhân tử vong trong vòng 6 – 10 ngày.

Bạch hầu là bệnh nguy hiểm, tử vong nhanh, nhưng nhiều người vẫn chủ quan, chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Theo Điều dưỡng trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương - Hà Thị Thanh Hoa, ổ chứa vi khuẩn gây bệnh bạch hầu nằm ở người bệnh và cả người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Thời kỳ lây truyền bệnh có thể kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít nhất là trên 4 tuần.

Phun khử khuẩn tại nơi có ca bệnh bạch hầu.

Phun khử khuẩn tại nơi có ca bệnh bạch hầu.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây bằng việc tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết từ người bệnh.

Theo điều dưỡng Hà Thị Thanh Hoa, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Biến chứng thường gặp nhất ở bệnh là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ tử vong thường rất cao.

Tỷ lệ tử vong của bệnh đối với sản phụ là khoảng 50%, một phần ba trường hợp sống sót có thể bị sảy thai hoặc sinh non. Điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót và mang thai, nhưng biến chứng vẫn cần được điều trị kéo dài.

Tỷ lệ tử vong của bệnh thường vào khoảng 5% – 10% và có thể tăng cao lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng bệnh, nhưng thời gian qua, tại một số nơi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ tiêm chủng vaccine còn thấp.

Theo điều dưỡng Hà Thị Thanh Hoa, hiện nay tại Việt Nam không có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có những vaccine phối hợp, trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu.

"Bạch hầu là căn bệnh có tốc độ lây lan nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm chủng vaccine đầy đủ, đến bệnh viện điều trị ngay khi có những triệu chứng bệnh, để tránh những hệ lụy đáng tiếc về sau", điều dưỡng Hoa khuyến cáo.

Theo đó, trẻ cần được tiêm vaccine phòng bạch hầu mũi 1 khi được 2 tháng tuổi; mũi 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi 3 sau mũi thứ hai 1 tháng và mũi 4 khi trẻ 18 tháng tuổi.

Tr.Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/canh-giac-voi-bien-chung-khon-luong-cua-benh-bach-hau-i708803/