Cảnh sắc Hải Vân

Nghĩ cũng gần. Theo đường chim bay, chỉ qua một mặt vịnh, người đứng ở đầu đường Nguyễn Tất Thành, phía quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, đã dễ dàng trông thấy đèo Hải Vân. Khi đang ngồi xe hóng mắt về phía đó, một người bạn đồng hành trỏ tay, nói với chúng tôi: Kia là viên ngọc sáng nhất trong mâm sính lễ vua Chế Mân cầu hôn công chúa Huyền Trân!

Nghĩ cũng gần. Theo đường chim bay, chỉ qua một mặt vịnh, người đứng ở đầu đường Nguyễn Tất Thành, phía quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, đã dễ dàng trông thấy đèo Hải Vân. Khi đang ngồi xe hóng mắt về phía đó, một người bạn đồng hành trỏ tay, nói với chúng tôi: Kia là viên ngọc sáng nhất trong mâm sính lễ vua Chế Mân cầu hôn công chúa Huyền Trân!

Toàn cảnh di tích Hải Vân Quan. Ảnh: C.K

Toàn cảnh di tích Hải Vân Quan. Ảnh: C.K

Năm tháng lùi dần tựa như cuốn phim tua ngược, Hải Vân hiện lên trong tâm tưởng, thi vị đến lạ.

Đèo Hải Vân nằm giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, trên đỉnh đèo là di tích Hải Vân Quan xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, sau nhiều năm tranh luận “của ai” để trùng tu, tôn tạo, dai dẳng kéo dài không dứt, khiến di tích thành ra phế tích. Cuối cùng, hai bên cũng xác định được Hải Vân Quan là “của chung”. Năm 2017, Hải Vân Quan được công nhận là di tích cấp Quốc gia, bốn năm sau, vào năm 2021, chính quyền Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng bắt tay nhau thực hiện dự án trùng tu trị giá hơn 40 tỷ đồng.

Cho đến khi bài báo này lên trang, trung tuần tháng 6-2024, di tích Hải Vân Quan vẫn đang trong quá trình trùng tu, chưa mở cửa cho khách tham quan, nhờ sự ưu ái phục vụ công tác chuyên môn chúng tôi mới được tận mắt chứng kiến công trình. Nhìn từ xa, chúng tôi trông thấy các kết cấu gỗ đá liền mạch, chắc chắn, khi đến gần, tất cả đều tinh xảo, tỉ mỉ, cực kỳ trau chuốt. Đinh ninh rằng, Hải Vân Quan giờ đây đẹp nhất trong lịch sử.

Chợt nghĩ, cái tâm của người làm công trình này, ắt phải thế nào.

Lại nhớ đến bước chân nàng Huyền Trân. Tương truyền, cha nàng là Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông (thế kỷ XIII), du ngoạn đến nước Chăm-pa, chứng kiến văn hiến rực rỡ, có ý muốn kết giao. Ông bèn gả nàng cho vua Chăm-pa là Chế Mân, đổi lại, vua Chế Mân đã dùng hai châu Ô, Lý làm sính lễ. Một dải đất xung yếu từ bờ Nam sông Thạch Hãn đến bờ Bắc sông Thu Bồn được nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Người bạn đồng hành cùng chúng tôi ở đầu bài viết nhận xét rằng, nếu ví châu Ô, châu Lý là mâm sính lễ, thì Hải Vân chính là viên ngọc lấp lánh sáng chói quý giá nhất trong mâm sính lễ ấy.

Không hẹn mà gặp, khi chúng tôi trao đổi với một người thầy đáng kính ở Huế, nhà nguyên cứu Hán Nôm Trần Đại Vinh, ông cũng đinh ninh rằng, Hải Vân quý nhất châu Ô, châu Lý thuở xưa. Chẳng những nơi đây hiểm yếu, bao quát cả một vùng rộng lớn, mà còn mang cảnh sắc vô cùng thi vị, khiến bao tao nhân mặc khách phải thốt nên lời khen ngợi. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh gợi ý chúng tôi tìm hiểu về một vị quan nhà Nguyễn, người sống cùng thời với thi hào Nguyễn Khuyến, là Trần Bích San.

Ngỡ ngàng với cảnh sắc Hải Vân Quan.

Ngỡ ngàng với cảnh sắc Hải Vân Quan.

Trần Bích San 3 lần đỗ đầu các khóa thi (như Nguyễn Khuyến), được nhà Nguyễn cử làm quan ở Quảng Nam. Trên chặng đường từ Quảng Nam ra kinh đô Huế, ông đã vượt đèo Hải Vân không biết bao nhiêu lần. Từ những trải nghiệm đó, ông đã viết nên bài thơ “Quá Hải Vân Quan”, trong đó có hai câu tựa như “định lý”.

Văn phi sơn thủy vô kỳ khí,

Nhân bất phong sương vị lão tài.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh giảng giải cho chúng tôi, hai câu ấy có nghĩa là, văn chương không có núi có sông thì không có hồn phách, người chưa từng dãi dầm sương gió thì không phải tài ba lão luyện. Người tầm thường, ắt không thể đúc kết hay ho đến vậy, mà có nghĩ ra chắc cũng không dám nói. Riêng Trần Bích San thì khác, là người mang sở học, giỏi bậc nhất đương thời, hẳn đủ tư cách. Và qua đôi mắt của ông, chiêm nghiệm của ông, lại càng thấy rõ cái sự kỳ vĩ của Hải Vân; không chỉ là nơi cảnh đẹp, lại còn là nơi trui rèn, thử thách con người, tạo cho con người ta biết bao nhiêu bản lĩnh.

Cảm tác Hải Vân chắc cũng không thể bỏ qua một người: Trần Quý Cáp, chí sỹ nổi bật trong phong trào Duy Tân, quê ở Quảng Nam. Trần cùng Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cổ động cho phong trào Duy Tân. Khi làm giáo thụ phủ Thăng Bình (Quảng Nam), ông mời thầy đến dạy quốc ngữ và tiếng Pháp ở trường phủ, theo chủ trương của Phan Chu Trinh, bị Pháp đưa đi đày. Nhân vụ chống sưu thuế ở Trung Kỳ năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình chém ngang lưng. Mộng chấn hưng, phục quốc chưa thành, Trần Quý Cáp vẫn kịp để lại cho đời sau vô vàn di sản. Một trong số ấy là bài thơ “Vãn quá Hải Vân Quan”, với những câu thơ chất chứa anh hùng:

Nắm tay hờn đấm tan mây trắng,

Con mắt sâu trông tít biển xanh.

Chỉ mấy chữ mà đã diễn đạt được ý chí mãnh liệt đến như thế, đủ hình dung con người, cảnh vật: Người anh hùng, cảnh cũng thật anh hùng. Phải chăng chính Hải Vân Quan bằng cách nào đó đã “cộng hưởng”, thôi thúc những tao nhân mặc khách, những bậc quân vương, sỹ phu... khiến họ thốt nên lời lẽ phi thường.

Chúng tôi bước xuống Hải Vân Quan khi đã chiều tà, ngoảnh trông lên một khối sừng sững “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan”. Người bạn đồng hành nói với chúng tôi, xưa nếu nàng Huyền Trân đi lấy chống bằng đường bộ, ắt là thú vị. Bởi từ trên đỉnh Hải Vân, nàng có thể ngoảnh quay về nhìn Đại Việt, với biết bao nhiêu tâm sự dâng trào...

Chợt nghĩ, có riêng gì Huyền Trân!

NGUYỄN LÊ

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/canh-sac-hai-van-post296930.html