Cảnh sát môi trường vùng biên

ĐBP - Là tỉnh miền núi biên giới, Điện Biên có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, đây là một trong những yếu tố các đối tượng lợi dụng để hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép. Trở lại thời gian vào năm 2018 tại địa bàn huyện Điện Biên Đông, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường cùng chính quyền địa phương đã phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép tại bản Sư Lư 1, xã Na Son.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 2 khu vực có dấu hiệu khảo sát thăm dò gồm nhiều dấu vết mới bị đập, đục làm lộ ra các mạch quặng màu đen lẫn trong vỉa đá, một số mảnh đá có lẫn quặng màu đen nằm rải rác trên mặt đất nương… Lực lượng chức năng xác định từ tháng 1 đến tháng 3/2018, Nguyễn Văn Bắc (SN 1973) trú tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội đã mua đất nương của một hộ dân trên địa bàn, sau đó thuê Lò Văn Chim (SN 1986) và Lò Văn Kiên (SN 1980) cùng trú tại bản Sư Lư 1 lấy mẫu đá mang ra khỏi địa bàn. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép đã được lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tránh gây cạn kiệt, lãng phí tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Cán bộ Cảnh sát môi trường Công an tỉnh kiểm tra các cơ sở, bảo đảm vệ sinh an toàn thưc phẩm.

Cùng với việc nguồn tài nguyên khoáng sản đang có những dấu hiệu bị thăm dò, khai thác trái phép thì trong những năm qua, tình trạng hủy hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn xảy ra phức tạp chủ yếu do số dân di cư thiếu đất sản xuất, phá rừng làm nương; tình trạng khai thác trái phép, tàng trữ, mua bán, vận chuyển gỗ nghiến dạng thớt vẫn diễn ra tại huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, địa bàn giáp ranh với các xã của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Thủ đoạn của các đối tượng là thuê người dân địa phương khai thác, vận chuyển gỗ, thu gom, tập kết gỗ tại những điểm trong rừng hoặc khu vực giáp ranh rồi tổ chức vận chuyển đến nơi tiêu thụ; sử dụng giấy tờ, hồ sơ phát mại của các tỉnh hợp pháp để quay vòng nhiều lần...

Ngoài ra nhiều đối tượng đã vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, chế biến, tiêu thụ động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã, các mặt hàng lâm, đặc sản, quý hiếm của địa phương. Thống kê trong 15 năm qua, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, thu giữ 1 cặp ngà voi (2,2kg), 2.901,7kg động vật hoang dã như Gấu ngựa, rắn hổ mang chúa, cu li, cầy hương, cầy vòi mốc, rùa các loại, khỉ mặt đỏ, hoẵng, kỳ đà hoa, don, cầy vòi mốc và sản phẩm động vật hoang dã; hàng chục tấn các loài cây dược liệu phong lan... Điển hình vào ngày 7/11/2019, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện 3 đối tượng đang vận chuyển trái phép 47 cá thể động vật rừng hoang dã có trọng lượng 169kg, gồm: 33 cá thể đông lạnh cầy vòi mốc, trọng lượng 99,5kg; 2 cá thể đông lạnh khỉ mặt đỏ, trọng lượng 18kg; 2 cá thể đông lạnh hoẵng, trọng lượng 25,5kg; 9 cá thể don còn sống, trọng lượng 23kg; 1 cá thể cầy vòi mốc còn sống, trọng lượng 3kg. Đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố hoàn thiện hồ sơ xử phạt VPHC 3 đối tượng với số tiền 60 triệu đồng.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, việc kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, quá hạn sử dụng; sản phẩm gia súc, gia cầm bị mắc bệnh, không qua kiểm dịch; không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong giết mổ, kiểm dịch động vật vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Bằng chứng là có hơn 7.000kg thực phẩm, bánh kẹo, rượu, thuốc không rõ nguồn gốc gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng đã bị lực lượng cảnh sát môi trường thu giữ, tiêu hủy.

Cùng với việc triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tội phạm về môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Công an các huyện, thị, thành phố thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành thực hiện tốt các Nghị quyết liên tịch, quy chế phối hợp trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường. Chủ động phối hợp với các Sở Tài nguyên & Môi trường, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lực lượng biên phòng, hải quan tổ chức hiệu quả các đợt thanh, kiểm tra, giám sát liên ngành, qua đó, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

15 năm qua, khắc phục khó khăn của những ngày đầu thành lập, mỗi CBCS Cảnh sát môi trường Công an Điện Biên đã thường xuyên bám sát địa bàn, chủ động nắm chắc tình hình, tích cực tham mưu cấp ủy chính quyền các cấp chỉ đạo và tổ chức triển khai các phương án phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm vi phạm trên lĩnh vực môi trường.

Bài, ảnh: Thu Trang (Công an tỉnh)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/192367/canh-sat-moi-truong-vung-bien