Cao Bằng: Chính sách tín dụng tạo sức bật cho vùng dân tộc thiểu số
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy vai trò, hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện chính sách tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Trong những năm qua, tỉnh Cao bằng đã tích cực thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn từ năm 2021 – 2030. Theo đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp rà soát, tổng hợp và phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng, mở ra cơ hội nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.
Theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh được giao thực hiện 5 chương trình cho vay gồm: cho vay hỗ trợ đất ở; nhà ở; đất sản xuất, chuyển đổi nghề; đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ nghèo DTTS, hoặc hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS cũng thuộc đối tượng được vay vốn theo Nghị định số 28.
Gói chính sách tín dụng theo Nghị định số 28 cũng quy định mức vay tối đa đối với nhà ở không quá 40 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi 3%/năm; vay hỗ trợ đất sản xuất tối đa 77,5 triệu đồng/hộ; vay hỗ trợ chuyển đổi nghề tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo (hiện nay 100 triệu đồng/hộ) với lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo (lãi suất cho vay hộ nghèo hiện nay là 6,6%/năm); vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là hộ nghèo, hộ cận nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS.
Riêng trong năm 2022 - 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng được phân bổ nguồn vốn thực hiện chương trình 138,1 tỷ đồng (trong đó nguồn trung ương 117 tỷ đồng, nguồn địa phương 21,1 tỷ đồng).
Sáu tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang đơn vị để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt trên 161 tỷ đồng; tăng trưởng đạt trên 100 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt gần 777 tỷ đồng với 12.533 lượt khách hàng vay vốn (trong đó hộ nghèo, cận nghèo 4.937 hộ, chiếm 39,39%). Qua kiểm tra, đánh giá nguồn vốn các hộ sử dụng đúng mục đích, từ đó đã giúp cho những hộ nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS đã sửa sang, nâng cấp được nhà ở, làm công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường, ổn định đời sống, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ và từng bước thoát nghèo.
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng tiếp tục rà soát đối tượng thụ hưởng để giải ngân kịp thời nguồn vốn đến người thụ hưởng; tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến các cấp ngành và người dân trên địa bàn tỉnh được biết chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28. Tăng cường giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm góp phần cải thiện đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là người nghèo là hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm huy động các khoản tiền nhàn rỗi của các của các tổ chức, cá nhân; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng.
Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, hàng năm cân đối ưu tiên bố trí ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.