Cao Bằng: Đổi mới các hoạt động của Dự án 8 để phù hợp thực tiễn địa phương
Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được triển khai tại Cao Bằng đã mang lại những kết quả rõ rệt, nâng cao nhận thức và khẳng định vị thế của phụ nữ. Bà Hoàng Thị Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, đã chia sẻ với PNVN về sự thay đổi tích cực này.

Hội LHPN tỉnh Cao Bằng tổ chức chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới
+ Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới với trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương có gặp rào cản, khó khăn gì, thưa bà?
Trước đây, phụ nữ dân tộc thiểu số ở một số nơi có trình độ học vấn thấp, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế. Định kiến giới, khuôn mẫu giới vẫn tồn tại phổ biến, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Tư tưởng phong kiến, gia trưởng khiến nam giới coi mình là trụ cột, còn phụ nữ thường xoay quanh việc nhà, đồng áng, chăm sóc con cái. Trình độ dân trí chưa cao, khó khăn về giao thông, thiếu điện, sóng điện thoại, internet… cũng hạn chế cơ hội phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận kiến thức.
Thậm chí, vẫn còn có hiện tượng trẻ em gái dân tộc thiểu số bỏ học lấy chồng sớm. Bản thân phụ nữ đôi khi cũng tự tạo định kiến cho mình bởi đức hy sinh, khiêm tốn, chấp nhận tâm lý an phận, không dám nói lên tiếng nói của mình.
+ Dự án 8 đã mang lại những thay đổi thế nào cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Cao Bằng?
Dự án 8 được triển khai từ năm 2021 đã mang lại những kết quả rõ rệt, nâng cao nhận thức và khẳng định vị thế của phụ nữ. Cụ thể, về truyền thông và đối thoại, đã có hơn 580 hội nghị truyền thông về định kiến giới, bạo lực gia đình cho trên 55.000 người đã được tổ chức.
746 tổ truyền thông cộng đồng và 70 chiến dịch truyền thông thu hút trên 10.000 người tham dự đã ra mắt. Đặc biệt, 238 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm xóm bản với 14.141 người tham gia đã tạo không gian để phụ nữ mạnh dạn nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình.

Bà Hoàng Thị Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Cao Bằng
Gần 4.000 ý kiến của hội viên phụ nữ đã được đưa ra và được cơ quan chức năng tiếp thu, giải đáp, xử lý kịp thời.
Về phát triển kinh tế, phụ nữ đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương đã được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi.
Phụ nữ còn thành lập tổ, nhóm hợp tác xã, sản xuất nông nghiệp sạch, chế biến nông sản, tham gia làm homestay, quảng bá du lịch cộng đồng. Hội LHPN tỉnh Cao Bằng cũng tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Về tham gia công tác xã hội, phụ nữ tích cực tham gia tuyên truyền, bảo vệ đường biên mốc giới, phát quang đường biên, tuần tra biên giới. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, họ chủ động hiến đất làm đường, góp công làm đường giao thông, thủy lợi, các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, góp phần xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Sự tham gia của phụ nữ đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
+ Hội LHPN tỉnh Cao Bằng có những định hướng gì để tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong thời gian tới?
Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội, tăng cường phối hợp với các sở, ngành để thực hiện hiệu quả Dự án 8, tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao đời sống kinh tế, trình độ văn hóa và hiểu biết cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về Dự án 8 để nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội… Đổi mới nội dung, hình thức triển khai các hoạt động của dự án phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương để phát huy tối đa sự tham gia của phụ nữ, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, biểu dương cá nhân tiêu biểu…
Thực hiện bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số vượt rào cản, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội. Đây là đòn bẩy quan trọng để Hội LHPN các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần vào việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
+ Xin trân trọng cảm ơn bà!