Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau triển khai chậm so với kế hoạch
Chiều 16/11, Đoàn công tác của Giao thông vận tải do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tiến độ thi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).
Đoàn đã đến kiểm tra tình hình thi công cao tốc tại nút giao IC2 (phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ). Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, tổng sản lượng thi công hai dự án thành phần của tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện đạt 13%; trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 1.089/6.846 tỷ đồng (16%); đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 1.390/11.958 tỷ đồng (11,7%).
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, hiện tiến độ thi công hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đang chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch.
Nguyên nhân tiến độ cao tốc còn chậm do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền, đặc biệt từ đầu tháng 8/2023 đến này; thời tiết xấu, triều cường dâng cao, một số vị trí còn vướng mặt bằng thi công cầu. Phía nhà thầu cũng chậm huy động máy móc thiết bị thi công tại một số vị trí đã có mặt bằng sạch, chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Ban là đắp cát vào đường công vụ thay vì tuyến chính.
Báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cũng chỉ ra khó khăn về vật liệu san lấp, trong đó nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án là rất lớn (hơn 18 triệu m3).
Tuy nhiên, đến nay các địa phương mới chỉ bố trí được khoảng 3,5 triệu m3 và thực tế nhà thầu tiếp nhận về công trường đến nay được khoảng hơn 700.000 m3 (tỉnh An Giang khoảng 200.000 m3; tỉnh Đồng Tháp 500.000 m3; tỉnh Vĩnh Long 2.300 m3), trong khi việc thực hiện thủ tục mở mỏ mới còn chậm, khó đáp ứng được yêu cầu tiến độ dự án.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, ông Trần Văn Thi cho biết, phần mặt bằng tuyến cao tốc chính dài hơn 110 km hiện đã được các địa phương bàn giao cho nhà thầu đạt 99%. Riêng phần tuyến nối dài 7 km từ nút giao IC2 ra Quốc lộ 1A (đoạn thuộc Cần Thơ) hiện đang vướng bãi rác cũ ở phường Ba Láng, quận Cái Răng với chiều dài khoảng 200 m. Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận mong muốn thành phố Cần Thơ sớm có phương án xử lý số rác này để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với các địa phương Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long tăng thêm công suất khai thác và sớm hoàn thành thủ tục để có thể tổ chức khai thác các mỏ cát ngay trong tháng 12/2023.
UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành bàn giao nền tái định cư (tỉnh Hậu Giang) hoặc bố trí tạm cư trong khi chờ xây dựng khu tái định cư (Kiên Giang) cho các hộ dân để sớm bàn giao phần mặt bằng còn lại cho nhà thầu thi công; đồng thời, đẩy nhanh công tác di dời hệ thống điện, cấp nước, viễn thông để các công tác thi công xây lắp triển khai an toàn, đạt tiến độ trong tháng 11/2023.
Liên quan đến bãi rác chắn cao tốc làm ảnh hưởng tiến độ thi công, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết đã chỉ đạo UBND quận Cái Răng phối hợp với cơ quan chuyên môn, thuê đơn vị tư vấn giải pháp xử lý bãi rác này. Hiện, thành phố đang tính toán khối lượng rác cần di dời, cách thức xử lý cũng như các vấn đề liên quan. Sau khi có báo cáo, UBND thành phố Cần Thơ sẽ phê duyệt phương án giải quyết số rác nói trên.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hè, hiện công tác khảo sát cơ bản đã hoàn thành và đang trong quá trình làm các thủ tục để xử lý. Bên cạnh đó, thành phố cũng tính đến phương án là bốc dỡ lượng rác trong phạm vi mặt bằng cao tốc bỏ sang hai bên, khi nào hồ sơ thủ tục hoàn thành thì sẽ chuyển đến nhà máy để đốt.
Trước đó, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ và Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã đi khảo sát tình trạng bãi rác nằm ngang cao tuyến nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Diện tích bãi rác chồng lấn lên cao tốc khoảng 4.200 m2, độ sâu 3 - 7 m, khối lượng đề xuất di dời là 21.000 m3. Do ngưng hoạt động nhiều năm nên rác ở đây đã hoai mục, tuy nhiên còn một lượng lớn túi ni lông, nhựa và nước thải dưới đáy khó xử lý.
Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đề thành phố Cần Thơ tiếp tục xử lý theo hướng đưa bãi rác vào hạng mục bổ sung của giải phóng mặt bằng. Giải pháp là dùng chi phí giải phóng mặt bằng còn dư (hơn 150 tỷ đồng) để dời khối lượng rác sang hai bên hoặc chở đi nơi khác xử lý.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, hiện nay, tiến độ đang chậm so với kế hoạch, vị trí mặt bằng bị vướng chỉ có chiều dài 200 m mà không sớm xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chung của toàn dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBND thành phố Cần Thơ xác định thời gian để xử lý bãi rác này là bao lâu mới bàn giao được mặt bằng để các nhà thầu, đơn vị thi công có cơ sở tính toán thời gian thi công cho phù hợp. “Thành phố phải rất cố gắng, nếu không kịp thì buộc phải tách ra thành một dự án khác để làm sau”, ông Nguyễn Văn Thắng nói.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài 110,87 km, tổng vốn đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng. Dự án có quy mô 4 làn xe hạn chế (giai đoạn 1); mặt cắt ngang 17 m. Điểm đầu dự án tại Km15+350 (nút giao IC2, là nút giao nối vào Quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, thành phố Cần Thơ). Điểm cuối kết nối vào tuyến tránh thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Tuyến cao tốc này bao gồm 2 dự án thành phần: đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7 km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8 km, vốn 17.485 tỷ đồng.