'Cao tốc' cho kinh tế tư nhân: Không hình sự hóa quan hệ kinh tế

Theo các chuyên gia, việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế mà Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đề ra không phải là nương nhẹ cho doanh nghiệp tư nhân, mà thể hiện tư duy pháp quyền hiện đại, có lợi hơn cho Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.

Hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu của một doanh nghiệp phía Nam. Ảnh: Như Ý

Hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu của một doanh nghiệp phía Nam. Ảnh: Như Ý

Thiệt hại “kép”

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc Nghị quyết 68 nhấn mạnh nguyên tắc “phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân” thể hiện tư duy pháp quyền hiện đại, nhằm hạn chế tình trạng “hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”. Đây là sự tiếp nối và cụ thể hóa các yêu cầu trong cải cách tư pháp, đảm bảo tính công minh, đúng người, đúng tội, không làm cản trở các hoạt động kinh tế bình thường.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đã nhấn mạnh ưu tiên các biện pháp dân sự, hành chính và khắc phục hậu quả trước khi truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Chủ trương “ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước” thể hiện sự nhân văn, linh hoạt và có tính phòng ngừa cao, phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm trong môi trường kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp, doanh nhân có cơ hội sửa sai, khắc phục hậu quả, tránh bị xử lý hình sự một cách vội vàng, đồng thời tạo môi trường pháp lý ổn định, hấp dẫn đầu tư”, ông Hà nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà

Trong khi đó, Giáo sư Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhấn mạnh, yêu cầu không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự sẽ tạo niềm tin, giúp doanh nghiệp và doanh nhân yên tâm đầu tư, mạnh dạn dấn thân vào các cơ hội kinh doanh; từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Theo ông Cường, sứ mệnh cốt lõi của doanh nhân là tạo ra nguồn lực, làm ra tiền và đóng góp cho xã hội thông qua các sản phẩm và việc làm. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng tránh được vi phạm. Do đó, khi xảy ra vi phạm, điều quan trọng là phải xem xét động cơ của doanh nghiệp và doanh nhân.

“Nếu động cơ của họ là tạo tiềm lực kinh tế, không vi phạm các quy định pháp luật hoặc đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thì cần ưu tiên giải quyết sai phạm bằng các công cụ kinh tế thay vì hình sự hóa”, ông Cường nói.

Trên quan điểm đó, ông Cường cho rằng, tư tưởng ưu tiên dùng biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế thay thế hình sự mà Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đề ra không phải là nương nhẹ cho doanh nghiệp tư nhân. “Đây là cách lựa chọn xử lý tốt hơn, có lợi hơn cho Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp,” ông Cường nhấn mạnh.

Theo ông, nếu xử lý hình sự ngay lập tức, doanh nhân sẽ mất cơ hội làm lại, không có điều kiện bù đắp thiệt hại kinh tế. Ngược lại, việc ưu tiên biện pháp kinh tế không chỉ giúp doanh nghiệp khắc phục sai phạm mà còn mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế và xã hội.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng lưu ý rằng, đầu tư kinh doanh đôi khi phải chấp nhận mạo hiểm, và thất bại là điều khó tránh khỏi. Quan trọng là khi thất bại, doanh nghiệp và doanh nhân cần được tạo cơ hội để làm lại.

“Việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự có thể gây ra thiệt hại “kép”, vừa khiến doanh nhân mất cơ hội sửa sai, vừa làm suy giảm động lực sáng tạo và đổi mới trong cộng đồng doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Bảo vệ doanh nghiệp

Một điểm nhấn quan trọng trong Nghị quyết 68 được ông Cường đánh giá cao là tinh thần bóc tách trách nhiệm giữa cá nhân và pháp nhân doanh nghiệp, cũng như giữa tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp với cá nhân quản lý. Theo ông, về mặt luật pháp, cá nhân sai phạm không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn bộ hoặc bị đóng cửa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi một cá nhân trong doanh nghiệp bị xử lý, dư luận thường có xu hướng nhìn nhận rằng “doanh nghiệp có vấn đề” và sẽ bị thanh tra, kiểm tra. Điều này dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng, gây tổn hại đến uy tín và hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, việc Nghị quyết 68 yêu cầu phân biệt giữa tài sản hợp pháp với tài sản vi phạm pháp luật thể hiện sự thận trọng và công bằng. Điều này không chỉ đảm bảo quyền tài sản - một quyền hiến định, mà còn giúp hạn chế tác động tiêu cực của quá trình điều tra đến hoạt động kinh doanh bình thường.

“Chúng ta cần phân định rõ: cái gì thuộc về xử lý pháp lý và cái gì thuộc về tâm lý dư luận”, ông Cường nhấn mạnh. Việc bóc tách trách nhiệm không chỉ giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi những hệ lụy không đáng có mà còn đảm bảo rằng vi phạm của cá nhân không ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và khuyến khích sáng tạo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đánh giá, Nghị quyết 68 giúp ngăn chặn việc lạm dụng xử lý hình sự và bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội.

“Việc không áp dụng xử lý hình sự nếu còn tranh cãi, thiếu căn cứ rõ ràng là biện pháp bảo vệ nguyên tắc pháp quyền, tránh oan sai, bảo vệ uy tín doanh nghiệp. Đồng thời, việc tái khẳng định nguyên tắc “suy đoán vô tội” là cần thiết để nâng cao trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và tạo niềm tin vào công lý”.

Về yêu cầu sửa đổi các bộ luật lớn như hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp khẳng định, đây là quyết tâm cao của Đảng trong việc hoàn thiện thể chế theo tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong khuôn khổ pháp luật.

“Nghị quyết 68 không chỉ là định hướng pháp lý mà còn là thông điệp chính trị rõ ràng: Nhà nước pháp quyền không dùng công cụ hình sự như một biện pháp can thiệp tùy tiện vào kinh tế”, ông Hà nói.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cao-toc-cho-kinh-te-tu-nhan-khong-hinh-su-hoa-quan-he-kinh-te-post1742919.tpo