Cao tốc ở ĐBSCL: thiếu cát 'nhức nhối'

Dù đã huy động toàn bộ nhân lực và thiết bị, song nhà thầu các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long đang phải thi công cầm chừng, thậm chí tạm dừng vì thiếu cát đắp nền. Nếu không sớm có giải pháp, các dự án cao tốc ở đây khó tránh khỏi nguy cơ chậm tiến độ.

Việc triển khai các dự án quanh khu vực ĐBSCL vô cùng khó khăn do khan hiếm nguồn cung cát đắp nền. Trong ảnh: Sà lan vận chuyển cát tại Tiền Giang. Ảnh: H.P

Việc triển khai các dự án quanh khu vực ĐBSCL vô cùng khó khăn do khan hiếm nguồn cung cát đắp nền. Trong ảnh: Sà lan vận chuyển cát tại Tiền Giang. Ảnh: H.P

Nhà thầu thi công cầm chừng, lo chậm tiến độ

“Thiếu cát đắp nền ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay rất nhức nhối! Không phải chúng tôi kêu ca mà nêu ra để tìm giải pháp”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, nói trong hội thảo khoa học “Giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông” do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây.

Tổng công ty Trường Sơn đang tham gia thi công năm dự án cao tốc trên địa bàn miền Tây Nam bộ. “Trường Sơn riêng năm 2023 cần 1,8 triệu mét khối cát, được An Giang phân bổ 1,1 triệu mét khối nhưng xảy ra vụ án khai thác cát trái phép nên giờ chúng tôi không có nguồn nào. Đồng Tháp, Vĩnh Long cũng hứa, cam kết gia hạn giấy phép khai thác cát, phân bổ cho Trường Sơn 400.000 mét khối và 800.000 mét khối nhưng thời điểm này cũng chưa có. Chúng tôi phải làm cầm chừng, thậm chí dừng lại trong khi đã huy động toàn bộ máy móc, con người vào trong đó. Không gia tải thì làm sao thi công được”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Ông Khương Văn Cương, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, xác nhận việc triển khai các dự án quanh khu vực ĐBSCL vô cùng khó khăn do khan hiếm nguồn cung cát đắp nền. Một số dự án phải sử dụng cát từ Campuchia, cự ly vận chuyển xa nên đội chi phí giá thành lên cao.

Các công trình hạ tầng giao thông nói chung và công trình đường bộ cao tốc nói riêng thường được cấu tạo bởi các lớp vật liệu nền, móng, mặt đường. Trừ các đoạn tuyến đi qua các vùng địa hình đồi núi, trung du có cấu tạo nền đường dạng đào, đắp hỗn hợp có thể tận dụng vật liệu lân cận, còn lại các đoạn tuyến đường đi qua vùng đồng bằng thường gặp nền đất yếu, đòi hỏi phải có giải pháp xử lý nền, thay đất, tôn cao độ nền, dẫn đến khối lượng vật liệu đất (cát) cần sử dụng rất lớn.

Ở ĐBSCL đang triển khai các dự án cao tốc với chiều dài 463 ki lô mét. Ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết các dự án này có nhu cầu cát san lấp rất lớn, khoảng 53,69 triệu mét khối và chủ yếu tập trung trong năm 2023 (gần 16,8 triệu mét khối) và năm 2024 (hơn 23,6 triệu mét khối). Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện còn 37 triệu mét khối, chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cho các dự án cao tốc, chưa kể các dự án đường bộ khác.

Việc khai thác cát cũng vướng ở nhiều khâu, khiến nguồn cung trở nên căng thẳng. Theo các nhà thầu, lẽ ra, chủ đầu tư phải triển khai các khâu để phê duyệt cấp phép mỏ vật liệu đồng bộ với phê duyệt dự án và bàn giao cho nhà thầu trước khi khởi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư không làm việc này, vì vậy khởi công dự án xong nhà thầu không thể thi công ngay mà phải… chờ làm thủ tục cấp phép khai thác vật liệu.

Quá bí bách, nhà thầu tìm đến các mỏ thương mại cũng không xong! Một mặt, các mỏ đang khai thác có trữ lượng thấp; chủ mỏ lại không muốn cung cấp cho dự án cao tốc vì bị kiểm soát giá, không được bán giá cao hơn thông báo giá của tỉnh. Mặt khác, “hóa đơn, chứng từ nghiệm thu, thanh toán rất khó, dính đến pháp luật, không ai dám làm”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Rút ngắn thời gian cấp phép mỏ

Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ và các địa phương có phương án giao mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác để phục vụ xây dựng cao tốc theo cơ chế đặc thù.

Tuy nhiên, nhà thầu vẫn phải thực hiện thủ tục cấp quyền khai thác như cũ (chỉ giảm được bước đấu giá quyền khai thác mỏ) nên mất nhiều thời gian, trung bình từ 8 tháng đến một năm. “Tiến độ thi công dự án hai đến ba năm do thi công trên vùng xử lý nền đất yếu phải chờ thời gian gia tải từ 8-14 tháng. Tuy nhiên, thủ tục cấp mỏ vật liệu hàng năm chưa xong. Ký hợp đồng xong nhà thầu phải thi công rồi, mà tiến độ khai thác mỏ như vậy thì không bảo đảm tiến độ dự án”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Nếu tình trạng thiếu cát đắp nền không được tháo gỡ, nhà thầu không thể đáp ứng tiến độ dự án, cũng không thể “nuôi quân”. Trước tình hình này, đại diện Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cho phép nhà thầu vừa khai thác vừa trình duyệt thủ tục cấp phép trên cơ sở đảm bảo các điều kiện an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ, UBND các tỉnh có cơ chế đặc thù, cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ. Tập trung đẩy nhanh việc cấp phép khai thác mỏ vật liệu cát, đất đắp và đá cho các nhà thầu tham gia dự án cao tốc. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ cát cho các đơn vị đã có văn bản xin phép nâng công suất để đáp ứng nguồn vật liệu thi công, nhất là ở ĐBSCL.

“Vùng ĐBSCL rất khan hiếm vật liệu đất, đá, cát nên Thủ tướng cần giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh phân bổ nguồn vật liệu đến các mỏ, yêu cầu chủ mỏ cam kết cấp cho dự án cao tốc về số lượng cụ thể. Trường hợp mỏ không thực hiện đúng cam kết sẽ bị thu hồi giấy phép. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ giá cát, đất đắp và đá, tránh các chủ mỏ thao túng, liên kết nâng giá vật liệu”, ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất.

Ông Khương Văn Cương kiến nghị chủ đầu tư phải xác định rõ, điều kiện cần để khởi công dự án là đầy đủ thủ tục khai thác mỏ vật liệu để bàn giao cho nhà thầu. Do đó, cần phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai đồng bộ các thủ tục cấp phép, khai thác trong quá trình lập, phê duyệt dự án.

Nhiều nhà thầu cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng xem xét, nghiên cứu đưa các nội dung quy hoạch mỏ vật liệu đất, đá, cát vào phạm vi của dự án ngay từ đầu để thẩm định, cấp phép cho dự án. Phải coi mỏ vật liệu như một hạng mục của dự án mới khả thi. Đặc biệt, hai bộ cần sớm tính đến các phương án sử dụng các vật liệu khác như cát biển, tro xỉ nhiệt điện thay thế cát sông hoặc sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp. Bởi lẽ, nếu không vướng ở khâu khai thác thì trữ lượng cát san lấp ở ĐBSCL cũng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cho tám dự án cao tốc.

Hải Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cao-toc-o-dbscl-thieu-cat-nhuc-nhoi/