Cấp cứu hai người ngộ độc do dùng than sưởi ấm ở Lạng Sơn
Chiều 24/1, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Bệnh viện Đa khoa đã tiếp nhận 2 bệnh nhân nhập viện cấp cứu do ngộ độc khí CO (Carbon Monoxide).
Bệnh nhân nam 61 tuổi, thường trú tại huyện Lộc Bình cùng vợ đốt than hoa sưởi ấm trong nhà, được người nhà phát hiện trong tình trạng gọi hỏi không biết, tím tái toàn thân, gia đình đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc khí CO, hiện đang được thở máy, hồi sức tích cực tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Vợ bệnh nhân cũng bị ngộ độc khí CO mức độ nhẹ hơn, đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình.
Ngoài ra, còn một trường hợp bệnh nhi 12 tuổi, trú tại thành phố Lạng Sơn, vào viện trong tình trạng lơ mơ, môi tím tái. Trước đó ở nhà, mẹ của bệnh nhân đặt than củi trong buồng tắm kín cho trẻ đi tắm, khoảng 40 phút sau gọi không thấy trẻ trả lời, người nhà phát hiện trẻ nằm bất tỉnh trong phòng tắm và được gia đình đưa đi cấp cứu. Ngay khi nhập viện, trẻ được thở ô-xy dòng cao, hồi sức tích cực. Hiện nay, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe hồi phục tốt.
Những ngày này, thời tiết lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp, người dân thường có thói quen đốt than sưởi ấm, tuy nhiên, việc làm này lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bệnh viện đa khoa tỉnh khuyến cáo: Đốt than trong phòng ngủ, không gian chật hẹp, đóng kín cửa sẽ đốt hết khí ô-xy, sản sinh ra khí CO gây ngộ độc. Với đặc điểm của khí CO là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy cơ thể bất thường gần nhưng đã rơi vào tình trạng ngộ độc, khó nhận thức, không còn khả năng ứng phó và tự ra khỏi khu vực có khí độc rồi lịm dần.
Ngộ độc khí CO có thể gây nên tổn thương não khó hồi phục nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Một số trường hợp ngộ độc nặng sẽ dẫn tới tử vong. Khi phát hiện có người bị ngạt khí, cần nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi phòng, ra ngoài không gian thoáng khí để kịp thời bổ sung ô-xy, đồng thời gọi cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.