Cát Tiên: Sôi nổi phong trào xây dựng vườn mẫu

Việc xây dựng mô hình vườn mẫu chuyên sản xuất các loại cây ăn trái trên địa bàn huyện Cát Tiên bước đầu cho thấy tính hiệu quả, tạo diện mạo mới cả về kinh tế, cảnh quan, môi trường. Mô hình này trở thành điểm sáng, góp phần thay đổi tập quán, thói quen sản xuất của người dân.

Mô hình vườn mẫu của gia đình anh Nguyễn Văn Triều được đầu tư bài bản, hứa hẹn cho thu nhập cao trong năm tới

Mô hình vườn mẫu của gia đình anh Nguyễn Văn Triều được đầu tư bài bản, hứa hẹn cho thu nhập cao trong năm tới

LAN TỎA MÔ HÌNH

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp như: lúa, mì, mía… sang trồng các loại cây ăn trái được nhiều nông dân trong huyện Cát Tiên đẩy mạnh thực hiện. Nhất là mô hình xây dựng mô hình vườn mẫu, đưa vào canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình chăm sóc được nông dân sôi nổi thực hiện.

Chúng tôi ghé thăm mô hình vườn mẫu của anh Nguyễn Văn Triều, Thôn 2, xã Quảng Ngãi được anh cho biết: Gia đình anh có hơn 2 ha đất sản xuất trước đây chuyên trồng mía. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên hiệu quả kinh tế đạt chưa cao. Nhận thấy xu hướng trồng cây ăn trái như sầu riêng, bưởi da xanh tại địa phương đang được nhiều người dân thực hiện, từ tháng 8/2019 gia đình anh đã thực hiện chuyển đổi 2 ha trồng mía.

Trên diện tích đất 2 ha, anh Triều thuê máy múc về đào hố, đào rãnh để hạ mực nước ngầm, rồi lên liếp trồng sầu riêng, bưởi. Bên cạnh đó, anh cũng mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động cho khu vườn. Theo anh Triều, nhận thấy khi Phòng Nông nghiệp huyện triển khai thực hiện đẩy mạnh cải tạo vườn hộ, vườn tạp gắn với xây dựng vườn mẫu trồng cây ăn trái là định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu của thị trường nên anh đã mạnh dạn đăng ký ngay.

Tham gia mô hình anh được cán bộ Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp huyện hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác. Đồng thời, được UBND huyện Cát Tiên hỗ trợ kinh phí với định mức 5 triệu đồng/ha. Đến nay, khu vườn mẫu rộng 2 ha trồng sầu riêng, bưởi da xanh của anh Triều đang sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến, sang năm 2022 khu vườn của anh sẽ bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên.

Không riêng gì gia đình anh Triều, tại xã Quảng Ngãi, phong trào chuyển đổi từ đất vườn tạp, đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang lập vườn trồng cây ăn trái đang được nông dân các thôn trong xã mạnh dạn đầu tư. Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện và xã.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngãi cho biết: Quảng Ngãi lâu nay nổi tiếng là vùng chuyên canh lúa, mía lớn của huyện, diện tích cây ăn trái rất ít, nếu có hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, nông dân trong xã đã mạnh dạn chuyển dịch diện tích đất lúa, mía kém hiệu quả, phá bỏ những vườn tạp để lên liếp chuyên canh cây ăn trái.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Quảng Ngãi đã có hàng trăm ha chuyên canh trồng cây ăn trái. Trong đó, có khoảng 40 hộ đăng ký thực hiện xây dựng mô hình vườn mẫu với tổng diện tích khoảng 50 ha. Hiện, đã có một số vườn đã cho thu hoạch, như: quýt đường, bưởi… cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Nhận thấy thực tế đó, lại được chính quyền địa phương tiếp sức, hỗ trợ, nông dân ở trong xã lại càng mạnh dạn bắt tay chuyển đổi, lên vườn trồng cây ăn trái. Nếu như trong các năm 2019 và 2020, toàn xã chỉ có vài hộ đăng ký thực hiện mô hình thì trong năm 2021, xã Quảng Ngãi đã có hàng chục hộ đăng ký xây dựng mô hình vườn mẫu.

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH NHÂN RỘNG

Ông Nguyễn Văn Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cát Tiên cho biết: Tháng 4/2020, huyện Cát Tiên tiến hành xây dựng Kế hoạch thực hiện cải tạo vườn hộ, vườn tạp và xây dựng vườn mẫu năm 2020, với mục đích tập trung các giải pháp, nguồn lực, đầu tư thâm canh hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn toàn huyện có 6 vườn được công nhận vườn đạt tiêu chí vườn mẫu. Các mô hình vườn mẫu tiêu biểu ban đầu như: vườn hộ ông Huỳnh Văn Phú - xã Quảng Ngãi, Phạm Thanh Duyên - xã Đức Phổ, Nguyễn Văn Cẩn - xã Nam Ninh… đã trở thành điểm sáng cho người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Qua đó, góp phần thay đổi tập quán, thói quen sản xuất của người dân; giảm diện tích canh tác nông nghiệp có thu nhập thấp, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, những cây trồng có lợi thế, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và nhu cầu của thị trường vào sản xuất.

Tiếp nối phong trào đó, từ đầu năm 2021 trên địa bàn toàn huyện có 43 hộ dân đăng ký xây dựng vườn mẫu. Hội Nông dân huyện phối hợp cơ quan chuyên môn của UBND huyện và cấp ủy, chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình thực tế nhằm động viên, hướng dẫn, góp ý trực tiếp đối với từng vườn hộ từ khâu quy hoạch bố trí, sắp xếp khu vực sản xuất, hệ thống tưới, hàng rào xanh tạo cảnh quan môi trường, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tưới tiêu khoa học tiết kiệm...

Theo ông Tiến, qua kiểm tra thực hiện, nhiều vườn hộ đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí xây dựng vườn mẫu năm 2021. Những vườn cây được trồng theo hàng lối, bài bản, thể hiện tư duy đổi mới của các hộ dân. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ dân đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn hộ, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, các hộ dân có diện tích đất vườn tạp, vườn kém hiệu quả; các hộ thuộc xã điểm xây dựng nông thôn mới, xã đặc biệt khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo… sẽ được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp, xây dựng mô hình và tập huấn kỹ thuật để thực hiện.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202110/cat-tien-soi-noi-phong-trao-xay-dung-vuon-mau-3082034/