Cầu Cần Giờ dự kiến khởi công vào năm 2025
Chiều 6/12, Kỳ họp thứ mười ba, Hội đồng Nhân dân (HĐND) Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 bước sang phiên thảo luận tổ với nhiều nội dung quan trọng.
Đại biểu Trần Quang Lâm, đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho biết, kỳ họp này thông qua nhiều dự án nhóm A, trong đó, đối với dự án cầu Cần Giờ, Nghị quyết HĐND cũng đã nêu sẽ được trình vào cuối năm nay.
Theo ông Lâm, hiện kết quả nghiên cứu dự án đã hoàn tất và Sở Giao thông Vận tải cũng đã trình Hội đồng thẩm định Thành phố để thẩm định.
Thành phố đang lên thiết kế cầu với chiều ngang 300m ngang, cao 55m, với một trụ là hình cây đước, với dự án 1 trụ cây đước, ông Lâm cho rằng, cần nghiên cứu để đảm bảo tính kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế. Do đó, sẽ phải lấy ý kiến các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải.
Về cân đối nguồn vốn, cầu Cần Giờ cần khoảng 11.000 tỷ đồng theo phương thức BOT khoảng 50%, còn 50% là nguồn ngân sách Thành phố và sẽ trình chủ trương đầu tư vào đầu năm 2024, khởi công vào năm 2025.
Liên quan đến cảng trung chuyển Cần Giờ, ông Trần Quang Lâm cho hay, hiện nay Thành phố đang hoàn chỉnh đề án để trình Chính phủ và cũng đã tính toán rất đầy đủ về phương án, phát triển nguồn lực, đặc biệt là các dịch vụ hàng hải để thực hiện đề án này. Số lượng người lao động tham gia vào dự án này rất lớn, khoảng 5 đến 8 ngàn lao động. “Dự kiến sắp tới sẽ xây dựng Trung tâm đào tạo nhân lực rộng 10 ha trên địa bàn Cần Giờ, gắn kết với các trường đại học, các viện để đào tạo lực lượng phục vụ quá trình mà xây dựng, cũng như phát triển vận cảng trung chuyển quốc tế”, ông Lâm thông tin.
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Khắc Điệp băn khăn về “Đề án cơ cấu cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn” đã được HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết số 80 ngày 19/9/2023 nhưng đến nay đang chậm triển khai, khiến cho một số địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí cán bộ và ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chung.
Ông Điệp đề nghị, UBND sớm cụ thể hóa để đảm bảo cán bộ chuyên trách và không chuyên trách ở cơ sở. Về cơ cấu của người hoạt động không chuyên trách, trước mắt cần có hướng dẫn cụ thể rõ ràng để bổ sung cho bộ máy.
Đại biểu Lê Văn Thinh, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố đã thông tin về kế hoạch chăm lo Tết cho người dân. Theo đó, kinh phí đề xuất năm nay dự kiến khoảng 916 tỉ đồng, tăng 4% so tới Tết năm trước, trong phần tăng đó, Sở đề xuất chăm lo cho các trẻ em mồ côi và người già neo đơn. Hiện nay đang trình UBND Thành phố đợi duyệt kinh phí.
Đối tượng chăm lo tiếp theo là công nhân, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố cũng đã có kế hoạch để triển khai công tác giám sát tình hình trên địa bàn Thành phố. Dự kiến chăm lo cho công nhân 139 ngàn trường hợp gặp khó khăn, với kinh phí trên 71 tỷ đồng.
“Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cũng có kế hoạch chăm lo riêng và Thành phố cũng đang có nhiều kế hoạch khác để chăm lo cho các đối tượng khó khăn. Trong năm 2024, Sở sẽ tham mưu cho UBND Thành phố ban hành thêm chính sách chăm lo cho người có công trên địa bàn Thành phố…”, ông Thinh nói.
Đại biểu Lê Duy Minh, đại diện Sở Tài Chính Thành phố trả lời về kinh phí triển khai một số dự án. Ông Minh cho rằng, kinh phí giải tỏa đền bù xây dựng các trường học do Sở Giáo dục Đào tạo quản lý cần phải xin từ ngân sách và phải được Thành phố đồng ý, không thể giải ngân tùy tiện. Ví dụ như xây trường Bình Khánh (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) nếu xin thêm việc xây dựng sân cỏ mini để cho các em học sinh tập luyện thì phải bố trí từ nguồn kinh phí khác, không thể lấy tiền giải phóng mặt bằng để làm.
Đối với Dự án đường Vành đai 3, ông Minh cho biết, dự án này hiện nay Sở Tài Nguyên và Môi trường đang gặp khó khăn về thủ tục, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến của Thành phố và Thành phố đang họp để xem xét vấn đề này.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cau-can-gio-du-kien-khoi-cong-vao-nam-2025-10268268.html