Câu chuyện về ngư dân Hội An thời Covid-19 trên báo Mỹ

Theo bài đăng trên New York Times, vì đại dịch Covid-19, những người ngư dân bỏ nghề để làm du lịch ở Hội An (Quảng Nam) như ông Hùng phải quay lại với nghề cũ để kiếm sống.

Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới WHO tuyên bố đợt bùng phát Covid-19 đã đạt đến mức độ của một đại dịch, với "mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng đáng báo động". Hoạt động du lịch quốc tế dừng lại khi các quốc gia đóng cửa biên giới, hãng hàng không hủy chuyến bay và nhiều thành phố trên khắp thế giới rơi vào tình trạng phong tỏa. Những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và sinh kế của người dân tiếp tục gia tăng. Cú đánh đối với công nghiệp du lịch và những người phụ thuộc vào ngành này thực sự tàn khốc.

 Ông Lê Văn Hùng giăng lưới từ chiếc thuyền thúng của mình ở ngoài khơi biển miền Trung. Ảnh: Rehahn C.

Ông Lê Văn Hùng giăng lưới từ chiếc thuyền thúng của mình ở ngoài khơi biển miền Trung. Ảnh: Rehahn C.

Trở lại biển để mưu sinh

Từ ngôi nhà dưới những rặng dừa ven biển, xung quanh có tiếng gà gáy, ông Lê Văn Hùng bước đi lên con đường ngắn để hòa mình vào sóng biển, mây và Mặt Trời cùng với niềm hy vọng. Biển lặng có nghĩa là sau những tháng ngày giông bão ông có thể yên tâm chèo thuyền thúng ra biển đánh bắt cua ghẹ nuôi gia đình.

Ông Hùng, 51 tuổi, là ngư dân biển nhiều năm trên những chiếc thuyền lớn. Tuy nhiên, ông đã từ bỏ công việc vào năm 2019 để giúp con gái kinh doanh nhà hàng bên bờ biển mà họ mở từ năm 2017 ở Hội An.

Do khách sạn mọc lên xung quanh khu vực gần nhà, trên bãi biển Tân Thành gần khu phố cổ, gia đình ông đã vay mượn người thân mua vài chục chiếc giường tắm nắng, ô che và dựng một nhà hàng ngoài trời trên cồn đất sau nhà.

Con gái ông, Hồng Vân, 23 tuổi, phụ trách chế biến các món hải sản. Hai con trai giúp nấu ăn và dọn bàn, còn ông thì rửa bát. Ông Hùng đã rời bỏ hoàn toàn công việc đánh bắt cá vào mùa hè năm 2019, tin rằng du lịch là tấm vé để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông chia sẻ: "Làm việc tại nhà tôi thư thái về tinh thần, thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày cùng gia đình". Ông đã thu về gấp 5 lần số tiền 3 triệu đồng mà một tháng ông kiếm được trên biển.

Tuy nhiên, khách du lịch và phần lớn thu nhập của gia đình ông đã biến mất khi Covid-19 tấn công vào đầu năm 2020. Đòn giáng nặng nề nhất xảy ra với họ là một cơn gió mùa đã kéo đổ nhà hàng xuống biển vào tháng 11.

Giờ đây, giống nhiều người khác ở Hội An, những người đã bỏ nghề đánh cá để làm du lịch như bồi bàn, nhân viên bảo vệ, lái tàu cao tốc hay mở cơ sở kinh doanh riêng, ông đã trở lại với những gì mình biết rõ nhất: cưỡi sóng để kiếm sống.

 Với số tiền tiết kiệm gần như cạn kiệt, ông Hùng biết chuyện phải quay về với biển. Đến tháng 8/2020, ông đã thành thạo đẩy chiếc thuyền thúng của mình vượt qua những con sóng chỉ bằng một mái chèo. Ảnh: Rehahn C.

Với số tiền tiết kiệm gần như cạn kiệt, ông Hùng biết chuyện phải quay về với biển. Đến tháng 8/2020, ông đã thành thạo đẩy chiếc thuyền thúng của mình vượt qua những con sóng chỉ bằng một mái chèo. Ảnh: Rehahn C.

Ông Hùng là một người đàn ông thấp bé, lưng hơi còng, đang cưu mang 6 người thân trong một vài căn phòng dưới mái ngói đất sét và cửa gỗ gần biển. Kể từ tháng 9 năm ngoái, những cơn bão dữ dội, gió mạnh và biển động khiến ông đau đáu chiếc thuyền thúng mưu sinh của mình sẽ bị lật.

Đến cuối tháng 2, khi nhìn những con sóng cùng với một vài mảnh tường gạch nơi nhà hàng của mình vẫn còn ngổn ngang trên bãi biển, ông tự nhủ: "Ngày mốt sẽ an toàn". Vào lúc Mặt Trời mọc vào một ngày đầu tháng 3, ông đứng trên chiếc thuyền của mình, chèo lướt qua những sóng cao gần một mét. Cách bờ khoảng hơn 350 m trên mặt nước xanh nhấp nhô, ông bắt đầu giăng lưới đánh cá.

 Sau thời kỳ biển động với quá nhiều rủi ro vào mùa mưa cuối năm 2020 - đầu năm 2021, ông Hùng trở lại biển. Ảnh: Rehahn C.

Sau thời kỳ biển động với quá nhiều rủi ro vào mùa mưa cuối năm 2020 - đầu năm 2021, ông Hùng trở lại biển. Ảnh: Rehahn C.

Ảnh hưởng của đại dịch đến nền du lịch Hội An

Ông Hùng lớn lên ở Hội An. Trong nhiều thế kỷ, thành phố là nơi cư trú của cộng đồng ngư dân nằm giữa biển xanh và những cánh đồng lúa bát ngát.

Trong 15 năm qua, các nhà phát triển Việt Nam và khách sạn quốc tế đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng những khu nghỉ dưỡng ven biển ở đây. Bên cạnh đó, người dân địa phương và nhiều người nước ngoài đã mở hàng trăm khách sạn nhỏ, nhà hàng, cửa hàng ở trong và xung quanh phố cổ. Du khách quốc tế đổ xô đến Hội An, chen chúc trên các bãi biển vào ban ngày và tụ tập khắp khu phố cổ khi đêm về.

Tuy nhiên, Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động du lịch của thành phố khi lệnh xã hội trên toàn quốc được ban hành trong tháng 4/2020. Sau đó, đợt bùng phát dịch lần thứ hai vào tháng 7 xảy ra ở Đà Nẵng đã lấy đi hy vọng về sự phục hồi du lịch nội địa của người dân Hội An.

Đại dịch ảnh hưởng nặng nề hơn đối với Hội An vì thành phố đã trở nên phụ thuộc quá nhiều vào du khách quốc tế. Năm 2019, 4 triệu trong số 5,35 triệu du khách đến từ nước ngoài.

Uyên Hoàng

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-ve-ngu-dan-hoi-an-thoi-covid-19-tren-bao-my-post1190726.html