'Cầu nối' đưa chính sách tín dụng đến với người dân
Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (gọi tắt là Phòng giao dịch) huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều cách làm mới, sáng tạo nhằm đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi được sử dụng hiệu quả, giúp người dân vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
![Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Cái Bè năm 2024 đạt nhiều kết quả khả quan.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_454_51456909/849aeb3bdc75352b6c64.jpg)
Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Cái Bè năm 2024 đạt nhiều kết quả khả quan.
Năm 2024, Phòng giao dịch huyện Cái Bè đã chủ động bám sát định hướng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, UBND huyện, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Với tôn chỉ “đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng quy định”, Phòng giao dịch huyện đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận vốn vay nhanh chóng, hiệu quả. Ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể để giám sát việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Cùng với đó, 25/25 Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn huyện Cái Bè đã tham gia thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện.
Qua đó, góp phần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, phát huy tốt hiệu quả của tín dụng chính sách giúp địa phương thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Theo đánh giá của Phòng giao dịch huyện Cái Bè, trong năm 2024, Phòng giao dịch huyện đã thực hiện tăng trưởng tín dụng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, cơ bản đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong năm đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 569 lao động; hỗ trợ vốn vay cho 15 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp cho hơn 1.992 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa 1.931 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 1 căn nhà ở xã hội; giúp cho 920 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình; 15 đối tượng người chấp hành xong án phạt từ được hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Đến cuối năm 2024, dư nợ bình quân đạt 38,05 triệu đồng/khách hàng.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ưu đãi, Phòng giao dịch đã phối hợp với các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, xây dựng điểm giao dịch và triển khai việc cung cấp các dịch vụ như: Cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm, chi trả an sinh xã hội… qua đó, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, thực hiện công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt…
Một số điển hình về thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách tín dụng có thể kể đến như hộ ông Phan Bá Duy ở ấp Mỹ Phú, xã Thiện Trí đã thoát nghèo nhờ vào số vốn vay 30 triệu đồng để chăm sóc vườn sầu riêng và 20 triệu đồng cho sinh viên vay để nuôi con học đại học.
“Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã có cơ hội phát triển kinh tế và nuôi con ăn học. Nhờ đó, gia đình tôi đã từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và thoát khỏi diện hộ nghèo” - ông Duy chia sẻ.
Theo UBND xã Mỹ Hội, xã hiện có 571 khách hàng vay vốn, 5 năm liền không có nợ quá hạn. Tăng trưởng vốn vay tăng dần qua các năm, năm 2020 với tổng dư nợ gần 7 tỷ đồng, đến năm 2024, tổng dư nợ của xã đã hơn 17 tỷ đồng.
Để phát huy hiệu quả những kết quả đã đạt được, theo Giám đốc Phòng giao dịch huyện Cái Bè Võ Văn Cường, trong năm 2025, cùng với các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Phòng giao dịch huyện sẽ chủ động phối hợp với các ngành có liên quan đánh giá kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách hiện hành; xây dựng các dự án hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn cho vay từ nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương, kịp thời đề xuất UBND huyện ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm tạo sinh kế cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển kinh tế, ổn định vươn lên thoát nghèo bền vững và góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Những nỗ lực không ngừng của Phòng giao dịch huyện Cái Bè đã giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Bước vào năm 2025, với sự quyết tâm đổi mới, sáng tạo và sự đồng hành của chính quyền, các đoàn thể và người dân, Phòng giao dịch huyện Cái Bè sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối quan trọng, đưa chính sách tín dụng đến gần hơn với những người thực sự cần, góp phần xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững và thịnh vượng.