Cây thiêng ở nhà đày Lao Bảo
Nằm cuối con đường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Lê Thế Tiết, nhà đày Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) trầm mặc hơn trăm năm tuổi bên dòng sông Sê Pôn. Ở đây, có những câu chuyện được văn bản hóa về tội ác man rợ của thực dân Pháp từ thế kỷ trước đến những lời truyền miệng đầy linh thiêng của du khách hôm nay...
Cây di sản vông đồng?
Bước vào nhà đày Lao Bảo đã thấy nét cổ kính, thâm u bởi hàng chục cây vông đồng cả trăm năm tuổi. Những cây vông đồng cao lớn với thân đầy gai góc là điểm nhấn của nhà tù khét tiếng này. Theo các tư liệu về nhà tù Lao Bảo, cây vông đồng có từ lâu, dù chưa xác định được mốc thời gian chính xác, nhưng cũng có tuổi đời hơn trăm năm.
Những cây vông đồng này, nếu được trồng từ khi đoàn quân chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho dựng dinh Ai Lao (vào năm 1622) thì đến nay đã trên 400 năm tuổi. Nếu muộn hơn, được trồng khi vua Minh Mạng cho nâng cấp dinh Ai Lao thành Bảo Trấn Lao (vào năm 1833) thì chúng có tuổi đời gần 200 năm. Và nếu muộn hơn nữa, từ khi thực dân Pháp xây dựng nhà tù này (vào năm 1896) dựa trên dinh trấn nhà Nguyễn thì nay cũng trên gần 130 năm. Xác định được “niên đại” của cây vông đồng tại nhà đày Lao Bảo để làm cơ sở cho việc lập hồ sơ tôn vinh cây di sản để được bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của nó. Thông tin này hiện đã được Đảng bộ thị trấn Lao Bảo quan tâm và đưa vào chương trình hành động của địa phương, hy vọng trong tương lai gần, cây “nhân chứng lịch sử” này sẽ được vinh danh, bảo vệ đúng mức.
Tương truyền, những thân cây đầy gai nhọn này là nơi thực dân Pháp tra tấn, phạt tù nhân bằng cách lột áo quần bắt ôm hoặc trèo. Vì thế, cây vông đồng được xem là “nhân chứng” cho những tội ác man rợ của thực dân Pháp gieo xuống đất này.
Ngày nay, trải qua bao trận bão lụt, cây vông đồng đã bị gãy và chết đi ít nhiều. Số còn lại vẫn xanh tốt, hiện diện như một phần không thể thiếu của không gian nhà đày Lao Bảo.
Chốn linh thiêng
Với lịch sử là nhà tù khét tiếng Đông Dương, nơi giam cầm nhiều nhà cách mạng nổi tiếng của Việt Nam nên nhà tù Lao Bảo trở thành địa chỉ tham quan, tìm hiểu của người dân địa phương và khách du lịch.
Vào những ngày Hè, những đứa trẻ chăm học ở quanh đây thường vào nhà tù, ngồi dưới tán cây vông đồng xanh mát để ôn bài. Tuổi thơ của những đứa trẻ nơi này gắn liền với trái vông đồng, lá vông đồng và những bãi cỏ, cột bê tông trong quần thể nhà đày. Rồi chúng lớn lên, đứa nào trước khi làm việc đại sự đều lên đây thắp hương cầu nguyện, đó như một thói quen trở thành nét văn hóa...
Theo ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, ngoài việc bố trí các tổ chức chính trị xã hội luân phiên dọn vệ sinh, thắp hương ở nhà đày Lao Bảo, thị trấn còn tổ chức những đợt dâng hương nơi này trước khi tổ chức các sự kiện lớn, nhỏ của địa phương. Các thôn, bản mỗi lần đại hội, các ban, ngành đều làm lễ dâng hương, dâng hoa tại nhà đày. Ngoài ra, những doanh nhân, người buôn bán, các cặp đôi chuẩn bị cưới nhau đều đến đây để cầu nguyện bình an, may mắn, hạnh phúc.
Anh Vi Văn Quang là người thường xuyên đến đây để dâng hương, dâng hoa và cầu may mắn cho gia đình. Anh kể, vài tháng một lần anh cùng với những người bạn lên thắp hương cầu nguyện. Lễ bạc lòng thành, lúc nào cũng một bó hoa tươi, bánh trái và một ít vàng mã. Mỗi lần thắp hương lễ phải đủ cho 10 chỗ. Trong đó, có những nơi đặt hoa quả rất lạ, đó là dưới gốc cây, bên bờ tường loang lổ vết đạn trong chiến tranh. “Lần nào thắp hương khấn nguyện, tôi cũng đi hết 10 chỗ đó, chỗ nào cũng đủ lễ. Như thế mới yên lòng” - anh Quang cho hay.
Vào nhà đày Lao Bảo thắp hương sẽ thấy rải rác ở những gốc cây có những trụ chân hương hoặc chiếc lư hương, mà theo một số người dân, các lư hương đó do người dân tự mua để vào các góc cây hoặc bờ tường đổ nát. Vì theo họ, trong phạm vi nhà tù này, có những câu chuyện truyền miệng về những nhà chí sĩ, nhà yêu nước ngã xuống khi đứng dậy phản kháng sự hà khắc của chế độ nhà tù Pháp thuộc.
Bà Nguyễn Thị Hoa, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Lao Bảo cho biết, chẳng biết từ bao giờ, những chiếc lư hương dưới gốc cây, bên bờ tường xuất hiện để thỏa lòng chiêm bái của người hành hương đối với các anh hùng, liệt sĩ.
Đến nhà đày Lao Bảo, du khách dâng hương, dâng hoa, cầu bình an, hạnh phúc và không quên lắng nghe trái vông đồng rơi trong gió. Có người nhặt chiếc lá hay quả của cây vông đồng về làm kỷ niệm, vì ít nhiều theo họ, nó chứa đựng giá trị lịch sử.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cay-thieng-o-nha-day-lao-bao-post475873.html