Chăm lo tốt hơn cho lợi ích người lao động

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2024), PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang xung quanh nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, từ đó góp phần xây dựng quan hệ lao động ổn định ở các đơn vị hiện nay.

 Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, bên cạnh nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, ông đánh giá như thế nào về việc tham gia xây dựng chính sách của tổ chức Công đoàn thời gian qua?

* Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Suốt 95 năm qua, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Trong những năm gần đây, tổ chức Công đoàn đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Các cấp công đoàn, đặc biệt là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động. Tổ chức Công đoàn ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, cơ chế dân cử để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, tổ chức Công đoàn đã thể hiện rõ và hiệu quả vai trò đại diện người lao động. Trong giai đoạn 2018-2023, với sự tham gia của tổ chức công đoàn, mức lương tối thiểu của người lao động đã tăng 25,34%, góp phần cải thiện đời sống cho đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Với việc liên tục đổi mới nội dung, cách làm, đến nay, nhiều mô hình thiết thực, mang đậm dấu ấn công đoàn chăm lo cho đoàn viên, người lao động đã ra đời và được duy trì hiệu quả, như: “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”, “Bữa cơm Công đoàn”, chương trình “Phúc lợi đoàn viên”… Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn đã tích cực tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về phát triển nhà ở, nhà trẻ, thiết chế văn hóa, thể thao, khám chữa bệnh dành cho công nhân, lao động…

* Đối với nhiệm vụ thu hút, tập hợp đoàn viên lao động và đổi mới phương thức hoạt động như Đại hội Công đoàn Việt Nam khóa XIII đã đề ra, tổ chức Công đoàn đã triển khai ra sao, thưa ông?

* Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra vào thời điểm đoàn viên, người lao động cả nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Mục tiêu mà Đại hội khóa XIII Công đoàn Việt Nam đề ra là đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Đồng thời, hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt...

Trong bối cảnh, tình hình mới, Công đoàn Việt Nam xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người lao động hiểu, tự nguyện tham gia và thành lập tổ chức công đoàn ở cơ sở. Chú trọng đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng linh hoạt, thủ tục đơn giản. Tập trung nguồn lực tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, lao động khu vực phi chính thức.

 Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà Tết 2024 cho công đoàn viên tại TP Cần Thơ. Ảnh: ĐẶNG LỢI

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà Tết 2024 cho công đoàn viên tại TP Cần Thơ. Ảnh: ĐẶNG LỢI

Phối hợp cấp ủy phát huy hiệu quả mô hình thành lập ban chỉ đạo vận động phát triển đoàn viên công đoàn. Nâng cao chất lượng đoàn viên công đoàn đi đôi với tăng cường công tác quản lý đoàn viên, hoàn thành việc xây dựng dữ liệu và quản lý đoàn viên bằng ứng dụng công nghệ. Tổ chức đa dạng các hình thức sinh hoạt, hoạt động của đoàn viên tại cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên trong triển khai hoạt động công đoàn gắn với quan tâm chăm lo lợi ích, củng cố niềm tin của đoàn viên đối với tổ chức công đoàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn...

Tổ chức Công đoàn coi việc đổi mới phương thức hoạt động công đoàn là một trong những nhiệm vụ sống còn của tổ chức trong bối cảnh mới. Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm; cấp trên phục vụ cấp dưới, công đoàn cơ sở gắn bó và phục vụ đoàn viên, người lao động; phát huy dân chủ nhưng đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hoạt động chủ yếu ở cơ sở, tăng cường giám sát và phản biện xã hội.

Đồng thời, đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn các cấp theo hướng giảm bớt họp hành, nói gọn, viết ngắn, tăng cường đi cơ sở và lắng nghe cơ sở, giải quyết hiệu quả, kịp thời phản ánh của đoàn viên, người lao động, của công đoàn cấp dưới. Tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn...

* Nhân dịp kỷ niệm 95 năm thành lập, ông muốn chia sẻ thông điệp gì tới các công đoàn viên, người lao động trên cả nước?

* Năm 2024, kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, cũng là năm đầu tiên triển khai nghị quyết đại hội công đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028. Các cấp công đoàn đang tập trung đưa nghị quyết vào cuộc sống bằng nhiều hoạt động, mô hình, cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, mang lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp để toàn hệ thống ôn lại truyền thống vẻ vang của tổ chức công đoàn, của giai cấp công nhân, nhận thức rõ thời cơ và thách thức, tiếp thêm động lực, nỗ lực xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Phát huy truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng và phát triển, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam, tôi mong rằng, cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động trên cả nước quán triệt sâu sắc phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, tăng cường đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

VĂN PHÚC thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cham-lo-tot-hon-cho-loi-ich-nguoi-lao-dong-post751319.html