Chăm lợn bằng 'chè khổng lồ', người phụ nữ dân tộc Tày mở hướng làm kinh tế mới

Với phương pháp chăn nuôi độc đáo, khoa học, một người phụ nữ dân tộc Tày ở tỉnh Hòa Bình đã thành công với mô hình nuôi lợn đen bản địa và làm giàu trên chính quê hương mình.

 Những con lợn ăn cây chè khổng lồ của chị Xa Thị Lan có sức đề kháng cao, chất lượng thịt thơm ngon.

Những con lợn ăn cây chè khổng lồ của chị Xa Thị Lan có sức đề kháng cao, chất lượng thịt thơm ngon.

Bỏ việc bàn giấy về làm việc chân tay

Xã Đồng Chum là một trong những xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Đà Bắc. Sinh sống trên địa bàn xã phần lớn là người đồng bào dân tộc Tày, điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, trình độ dân trí còn thấp. Ở Đồng Chum, hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém, nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Tuy nhiên, tại vùng đất đồng rừng này, có không ít những tấm gương phụ nữ người dân tộc vươn lên làm giàu bằng chính những sản vật của địa phương. Trong số này, chị Xa Thị Lan (34 tuổi, trú tại xóm Mới, xã Đồng Chum) là một ví dụ. Người phụ nữ dân tộc Tày thành công với mô hình nuôi lợn đen bản địa theo hướng đi riêng.

Tiếp tôi tại khu trang trại của gia đình cách nhà chừng 3km, chị Lan vui mừng cho biết, có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng, phấn đấu của vợ chồng chị. Chị Lan cho rằng, cách chị đến và gắn bó với con lợn đen là một cái duyên.

Chị Xa Thị Lan từ bỏ công việc bàn giấy để làm giàu bằng công việc chăn nuôi lợn đen.

Chị Xa Thị Lan từ bỏ công việc bàn giấy để làm giàu bằng công việc chăn nuôi lợn đen.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ, chị Lan xin được công việc văn phòng ở UBND xã Đồng Chum. Gắn bó với công việc bàn giấy được một khoảng thời gian, cảm thấy công việc thu nhập thấp không đủ chi phí sinh hoạt hằng ngày và không phù hợp với bản thân nên chị Lan đã quyết định xin nghỉ để tìm công việc khác.

"Chồng tôi cũng là công chức làm việc tại UBND xã Đồng Chum. Việc 2 vợ chồng cùng làm bàn giấy nên thu nhập chủ yếu dựa vào khoản lương cuối tháng. Khi kinh tế gia đình đã không vững, tôi và chồng đã bàn nhau phải có một người chọn hướng đi khác để ổn định kinh tế gia đình. Và người đó là tôi", chị Lan nhớ lại.

Sau thời gian nghỉ việc, chị Lan cũng dành thời gian tìm tòi nhiều mô hình chăn nuôi và bén duyên với mô hình nuôi lợn đen bản địa ở địa phương. Chị Lan chia sẻ, những ngày đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm và không tự tin nên chị chỉ dám mua 3 con lợn nái để về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi nên mỗi năm đàn lợn cho hai lứa, mỗi lứa trung bình đàn lợn đẻ được 8 - 10 con lợn con. Sau 8 tháng chăm sóc, chị Lan xuất bán gần 30 con lợn thịt thu về gần 50 triệu đồng.

Lợn đen được gia đình chị Lan nuôi theo hình thức bán chăn thả nên chất lượng thịt tốt hơn so với phương pháp chăn nuôi thông thường.

Lợn đen được gia đình chị Lan nuôi theo hình thức bán chăn thả nên chất lượng thịt tốt hơn so với phương pháp chăn nuôi thông thường.

Từ bước đệm ban đầu, năm 2016, chị Lan đã bàn bạc gia đình và vay vốn thêm để mở rộng chuồng trại. Đàn lợn của chị Lan khi ấy vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn những lứa xuất chuồng triển vọng. Thế nhưng, năm ấy, đàn lợn của gia đình chị bị dịch bệnh chết gần hết, tiền của và công chăm sóc đổ sông, đổ bể.

Sau đợt dịch ấy, chị Lan nghiệm ra rằng khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình được xây dựng gần khu dân cư, có nhiều xe chở gia súc đi lại. Các xe hàng đưa lợn dưới xuôi đi qua đi lại đã làm lây lan dịch bệnh. Biết được nguyên nhân, chị Lan sau đó đã đầu tư vốn làm khu chuồng trại cách xa khu dân cư để tránh dịch bệnh cho đàn lợn. Nghĩ rằng việc nuôi lợn bằng phương pháp nuôi nhốt cũng không hiệu quả, chất lượng thịt không ngon nên chị Lan cũng đầu tư làm hàng rào lưới B40 rào quanh khu đồi của gia đình để nuôi lợn theo hình thức bán chăn thả.

"Mỗi con lợn nái được ở trong một chuồng khoảng gần 20m2, khi lợn sinh ra khoảng 2 - 3 tháng và đạt trọng lượng từ 8 - 12kg sẽ được thả vào khu đồi đã rào lưới B40 để lợn vận động nhiều hơn, giúp lợn săn chắc hơn", chị Lan chia sẻ.

Nuôi lợn nói không với thức ăn công nghiệp

Với cách nuôi bán chăn thả, những con lợn của gia đình chị Lan đều cho chất lượng thịt thơm ngon nên rất hút khách. Chị Lan chia sẻ rằng, mỗi lứa lớn từ khi còn nhỏ đều đã được các đầu mối gọi điện đặt hàng và chưa năm nào gia đình chị cung cấp đủ nguồn hàng cho các đầu ra ở Hòa Bình và Hà Nội.

Để tạo chất lượng đầu ra cho sản phẩm, gia đình chị Lan tuyệt đối nói không với thức ăn công nghiệp. Khẩu phần ăn hàng ngày của lợn đều từ những thứ có trong tự nhiên hoặc do gia đình trồng trọt được như ngô, chuối, sắn. Theo chị Lan, bí quyết để gia đình chị xuất chuồng những lứa lợn chất lượng nằm ở một loại thực vật mà người dân ở Đồng Chum hay gọi bằng cái tên là cây chè khổng lồ.

"Cây chè khổng lồ có lượng protein thô khoảng 15 - 22%, cao gấp khoảng 2 lần cỏ, hàm lượng canxi, chất xơ và vitamin cũng cao hơn so với các loại cây thức ăn khác. Lợn nếu bị tiêu chảy ăn vào rất tốt. Tôi thường cho lợn ăn chè khổng lồ để tăng sức đề kháng, chống chọi với dịch bệnh", chị Lan cho biết.

Cây chè khổng lồ là một trong những thức ăn không thể thiếu trong quá trình chăn nuôi lợn của gia đình chị Lan.

Cây chè khổng lồ là một trong những thức ăn không thể thiếu trong quá trình chăn nuôi lợn của gia đình chị Lan.

Nhận thấy những lợi ích to lớn của cây chè khổng lồ, chị Lan đã đầu tư một phần diện tích đất của trang trại mình để trồng loại cây này. Bên cạnh việc bổ sung chất để đàn lợn phát triển tốt, chị Lan cho biết gia đình cũng phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh chuồng trại cũng phải được chú trọng. Chuồng trại phải được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ, phun khử trùng định kỳ và rắc vôi bột mỗi tuần một lần. Với cách chăn nuôi khoa học, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị Lan thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ đó giúp kinh tế gia đình được vững vàng.

Năm 2021, nhận thấy mô hình nuôi lợn đen bản địa có triển vọng tại địa phương, hợp tác xã (HTX) đa ngành nghề Đồng Chum được thành lập với 15 thành viên, đồng thời, HTX cũng được cấp giấy chứng nhận VietGap đối với sản phẩm lợn thịt. Gia đình chị Lan cũng là một trong những thành viên trong HTX.

Người phụ nữ dân tộc Tày còn đầu tư cả diện tích lớn đất để trồng cây chè khổng lồ làm thực phẩm cho lợn.

Người phụ nữ dân tộc Tày còn đầu tư cả diện tích lớn đất để trồng cây chè khổng lồ làm thực phẩm cho lợn.

Nhờ được cấp chứng nhận VietGap, lợn đen bản địa của gia đình chị được nhiều khách hàng tin tưởng và đặt hàng. Số lượng lợn xuất bán mỗi ngày một nhiều hơn. Chị Lan cũng nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm chăm sóc lợn đến với những người dân địa phương để họ có thể cùng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hiện tại, bên cạnh việc nuôi lợn bán thương phẩm, gia đình chị Lan cũng kết hợp nuôi lợn nái để bán con giống. Theo chị Lan, việc bán lợn giống có lợi thế là thu hồi vốn nhanh khi lợn chỉ mất 2 tháng nuôi là đã xuất bán được. Ngoài ra, chị Lan cũng đang thử phối lợn đen bản địa với lợn rừng để tạo ra một giống lợn với chất lượng thịt tốt hơn nữa.

Đến nay, HTX đa ngành nghề Đồng Chum có trên 30 thành viên. Nói về định hướng trong tương lai, chị Lan cho biết gia đình chị cũng như các thành viên khác sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi và sẽ cung ứng thịt lợn sạch theo hướng chuỗi giá trị cho các siêu thị nhà hàng ở thành phố Hà Nội.

Nguyễn Tuấn Khang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cham-lon-bang-che-khong-lo-nguoi-phu-nu-dan-toc-tay-mo-huong-lam-kinh-te-moi-20231112220409836.htm