Chấn chỉnh giá cả dịch vụ phi hàng không tại một số sân bay lớn

Vài ngày trước, trong khi chờ lên máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, một nữ hành khách đã mua một chiếc bánh mì để lót dạ. Cảm nhận của chị là chất lượng bánh mì rất bình thường, nếu không muốn nói là không ngon, nhưng lại có giá 'siêu đắt': 7,8 USD, tương đương 208.000 đồng.

Chiếc bánh mì kẹp thịt heo xá xíu của cửa hàng Bigbowl bán tại sân bay Nội Bài có giá 7,8 USD, tương đương 208.000 đồng.

Chiếc bánh mì kẹp thịt heo xá xíu của cửa hàng Bigbowl bán tại sân bay Nội Bài có giá 7,8 USD, tương đương 208.000 đồng.

Theo phản ánh của chị, bên trong bánh mì chỉ có một ít nhân thịt lợn và rau dưa đi kèm, hương vị bình thường không có gì đặc sắc. Mặc dù vẫn biết đồ ăn ở sân bay thông thường có giá cao hơn bên ngoài nhưng mức giá như vậy là quá đắt.

Đây là thực trạng chung diễn ra từ lâu ở nhiều sân bay lớn tại Việt Nam như Nội Bài, Tân Sơn Nhất,… Hầu hết các đồ ăn đều có giá “trên trời”, phổ biến gấp 3-4 lần, thậm chí có mặt hàng gấp gần chục lần so với bên ngoài sân bay.

Hơn 10 năm trước, chuyện chai nước, bát mì tôm tại sân bay có giá “trên trời” đã từng gây bức xúc đối với dư luận xã hội, khiến lãnh đạo bộ quản lý chuyên ngành phải đích thân vào cuộc chấn chỉnh, xử lý và sau đó, giá cả các mặt hàng bán tại sân bay đã “giảm nhiệt”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này lại có xu hướng tái diễn.

Một số hành khách thường xuyên đi công tác hay du lịch nước ngoài bằng đường hàng không cũng phải kêu trời vì nếu so với nhiều sân bay của các nước khác như: Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc,… nhất là khu vực ga đi quốc tế, mức giá bán ở sân bay Việt Nam đắt hơn khá nhiều. Thông thường ở các nước khác, đồ ăn bán tại sân bay chỉ cao hơn bên ngoài khoảng 20-30%, không “đội giá” gấp 5-7 lần như sân bay Việt Nam.

 Nhiều mặt hàng bán tại sân bay Việt Nam có giá quá cao so với mặt bằng chung của thị trường.

Nhiều mặt hàng bán tại sân bay Việt Nam có giá quá cao so với mặt bằng chung của thị trường.

Theo nhận định của một số chuyên gia, do phải chịu nhiều loại chi phí, mức giá tại sân bay thường cao hơn so với bên ngoài. Các sân bay thường biệt lập với khu vực dân cư, xa trung tâm, chi phí mặt bằng, nhân sự, vận chuyển hàng hóa rất cao; đồ ăn tại sân bay cũng đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, khâu chế biến cũng được kiểm soát chặt chẽ,…

Ngày 16/7, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cục đã có báo cáo Bộ Xây dựng liên quan vụ việc bánh mì có giá 208.000 đồng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài mà dư luận xã hội phản ánh thời gian qua. Ngay sau sự việc xảy ra, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phối hợp Cảng vụ hàng không miền bắc tiến hành xác minh, làm rõ.

Theo kết quả xác minh, sản phẩm bánh mì mà khách hàng phản ánh là của cửa hàng Bigbowl tại khu vực cách ly (tầng 3, Nhà ga T2), cửa hàng thương hiệu nổi tiếng tại các sân bay lớn ở Việt Nam (Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Đà Nẵng, Cam Ranh) và đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Sản phẩm bánh mì kẹp thịt heo xá xíu được sử dụng nguyên liệu thịt lợn nhập khẩu từ Brazil với trọng lượng khoảng 200 gram. Giá bán sản phẩm được cửa hàng niêm yết đầy đủ, công khai, dễ nhận biết tại quầy theo đúng quy định hiện hành. Ngoài sản phẩm trên, cửa hàng còn cung cấp các loại bánh mì khác với mức giá từ 2,1 USD trở lên nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Tại Nhà ga T2 của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện có 24 quầy hàng đang hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát với đa dạng các sản phẩm dịch vụ từ hàng hóa thiết yếu theo quy định. Giá bán các sản phẩm, dịch vụ được niêm yết công khai từ 20.000 đồng tại khu vực công cộng và từ 1,5 USD/sản phẩm tại khu vực cách ly.

Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đang hợp tác kinh doanh các loại hình dịch vụ phi hàng không gồm: ăn uống, giải khát; bách hóa lưu niệm; kinh doanh miễn thuế,…. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng đều tuân thủ quy định về hàng hóa thiết yếu; bảo đảm chất lượng dịch vụ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đồng thời thực hiện niêm yết giá đầy đủ, công khai và minh bạch theo quy định.

Khi nghe lý giải sản phẩm bánh mì kẹp thịt heo xá xíu “sử dụng nguyên liệu thịt lợn nhập khẩu từ Brazil”, nhiều người sẽ cho rằng, nguyên liệu nhập khẩu cho nên giá cao là đương nhiên. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Theo thống kê sơ bộ từ Cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam nhập khẩu 366,8 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 735,29 triệu USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 56,1 nghìn tấn, trị giá 149,66 triệu USD, tăng 77,7% về lượng và tăng 112,3% về trị giá so với cùng kỳ. Giá trung bình nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh về Việt Nam trong 5 tháng ở mức 2.661 USD/tấn, tăng 19,5% so với 5 tháng đầu năm 2024. Như vậy, có nghĩa giá nhập khẩu trung bình chưa tới 2,7 USD/kg (tương đương khoảng 70 nghìn đồng), rẻ hơn thịt lợn tươi trong nước.

 Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu rà soát hoạt động các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trên sân bay, bảo đảm chất lượng dịch vụ và quyền lợi hành khách.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu rà soát hoạt động các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trên sân bay, bảo đảm chất lượng dịch vụ và quyền lợi hành khách.

Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Cảng vụ hàng không miền bắc thực hiện kiểm tra, giám sát hằng ngày theo kế hoạch đối với hoạt động cung cấp dịch vụ phi hàng không, bao gồm chất lượng dịch vụ, giá dịch vụ cơ bản thiết yếu và niêm yết giá theo quy định, đồng thời yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng cường giám sát, rà soát hoạt động của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tại nhà ga, bảo đảm chất lượng dịch vụ và quyền lợi chính đáng của hành khách.

Ngoài ra, Cục cũng có văn bản yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị quản lý các sân bay, trong đó có tăng cường chỉ đạo hoạt động cung cấp dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không; kịp thời chấn chỉnh ngay các nội dung bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ tại nhà ga hành khách, quyền lợi chính đáng của khách hàng; bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, sản phẩm bán ra; niêm yết công khai giá; bảo đảm văn minh, lịch sự, chu đáo.

Đành rằng, mức giá các dịch vụ trên sân bay do phải gánh nhiều khoản chi phí nên có sự khác biệt với thị trường chung, nhưng cũng phải nằm trong mức độ mà thị trường chấp nhận được, chứ không thể cao một cách bất hợp lý như vậy, gây bức xúc kéo dài trong dư luận xã hội.

Trong con mắt của du khách, bạn bè quốc tế, sân bay chính là bộ mặt của quốc gia, đất nước. Vì thế, để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, giữ vị thế, hình ảnh bộ mặt cửa ngõ quốc gia, các cơ quan quản lý chức năng cần kiểm soát chặt chẽ, phát hiện và xử lý nghiêm những đơn vị, tổ chức, cá nhân lạm dụng vị thế độc quyền trong kinh doanh tại khu vực sân bay để nâng hoặc hạ giá dịch vụ và hàng hóa bất hợp lý.

HÀ THIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chan-chinh-gia-ca-dich-vu-phi-hang-khong-tai-mot-so-san-bay-lon-post894138.html