Chấn chỉnh hoạt động khoan, đào nguồn nước ngầm dưới đất

Ngày 26/12/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Ngày 13/5/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản số 2553/BTNMT-TNN gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

 Kiểm tra điều kiện, quy chuẩn giếng khoan hộ gia đình- Ảnh: L.K

Kiểm tra điều kiện, quy chuẩn giếng khoan hộ gia đình- Ảnh: L.K

Do sự phát triển mạnh của nền kinh tế, nhu cầu nước ngày một tăng. Bên cạnh đó, các nguồn chất thải ngày càng tăng làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt càng nghiêm trọng, vì vậy nhu cầu sử dụng nước dưới đất ngày càng lớn là một tất yếu. Hiện trạng tài nguyên nước ngầm và các công trình khai thác nước dưới đất có quy mô rất khác nhau và bao gồm các dạng sau: Giếng đào chủ yếu cấp nước cho sinh hoạt gia đình và phục vụ tưới với quy mô nhỏ; giếng khoan đường kính nhỏ sử dụng cấp nước cho quy mô hộ gia đình với đường kính ống chống, ống lọc từ 42mm đến 60mm ở vùng đồng bằng, chiều sâu giếng từ 5m tới hơn 80m và giếng khoan công nghiệp (được thi công bằng máy) đường kính ống lọc từ 90 mm tới gần 400mm, có chiều sâu hàng chục mét tới gần 500m, lưu lượng từ vài m3 /giờ tới hơn 100m3 /giờ để cấp nước tập trung.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đới nước ngầm có thể khai thác cho các đối tượng sử dụng nước khác nhau tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng với lưu lượng và trữ lượng tương đối dồi dào. Nhiều vùng nông thôn chưa có hệ thống cấp nước tập trung, thậm chí ở các đô thị nhiều nơi cũng chưa có mạng lưới cấp nước sạch, vì vậy người dân phải tự khoan giếng để khai thác nước. Nước dưới đất được khai thác phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, trong đó khai thác nước cho sinh hoạt và công nghiệp chiếm tỉ lệ lớn. Việc khai thác nước dưới đất phát triển không đồng đều ở các vùng trong tỉnh. Những vùng nước dưới đất có chất lượng tốt, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước này cho ăn uống, sinh hoạt và loại hình công trình khai thác thường được sử dụng là giếng đào. Hiện nay, đã có một số hộ gia đình dùng giếng khoan đường kính nhỏ để khai thác nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt kết hợp với phục vụ cho chăn nuôi và tưới cho cây cối.

Tuy nhiên, tình trạng các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khoan giếng không có báo cáo thăm dò, đánh giá trữ lượng và các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan chưa có giấy phép hành nghề, không đủ điều kiện kỹ thuật hành nghề khoan diễn ra khá phổ biến. Tại một số khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung nhưng vẫn xảy ra tình trạng khoan giếng để khai thác nước dưới đất làm ảnh hưởng không nhỏ đến trữ lượng và chất lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh chỉ cấp 2 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, 1 giấy phép thăm dò nước dưới đất, 21 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đang còn hiệu lực.

Để kiểm soát, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã kiểm tra, rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất, hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn. Đồng thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

Theo Điều 35, Luật Tài nguyên nước quy định tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất; hành nghề khoan nước dưới đất; khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng. Đồng thời quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất và ở những vùng nước dưới đất bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng. Cơ quan quản lý tài nguyên nước khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nước dưới đất.

Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ giếng thực hiện xử lý, trám lấp các loại giếng khoan không sử dụng trên địa bàn theo quy định của Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT. Trong đó, các tỉnh tập trung rà soát các giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, đánh giá nước dưới đất, dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản, khảo sát địa chất công trình đã thực hiện xong trên địa bàn tỉnh mà không có nhu cầu, kế hoạch sử dụng cho các mục đích khác hoặc bị hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng, đồng thời yêu cầu các chủ giếng (chủ dự án) thực hiện việc xử lý, trám lấp theo quy định.

Các tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát (đến cấp xã, phường, thị trấn) các hoạt động khoan, đào, nhất là đối với hoạt động khoan, đào, thí nghiệm trong thăm dò địa chất, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ theo quy định của Thông tư số 75/2017/TTBTNMT nhằm sớm phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố sụt, lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất, gây ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.

Lâm Khanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=168363&title=chan-chinh-hoat-dong-khoan-dao-nguon-nuoc-ngam-duoi-dat