Chặn thực phẩm bẩn trôi nổi

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TPHCM thời gian gần đây đã khiến các cơ quan chức năng 'đau đầu'.

Các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại khu vực trường học TPHCM khiến nhiều phụ huynh bất an. Ảnh: T.L.

Các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại khu vực trường học TPHCM khiến nhiều phụ huynh bất an. Ảnh: T.L.

Vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại Ký túc xá (KTX) Đại học quốc gia TPHCM vào các ngày 8-9/5 vừa qua, đã khiến 19 sinh viên đau bụng, nôn ói, đi tiêu lỏng. Điều đáng nói, vụ việc xảy ra chỉ ít ngày sau một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khác xảy ra tại TP Thủ Đức, cũng khiến 15 em học sinh phải nhập viện cấp cứu.

Bà Bùi Thị Hồng Vân - đại diện Sở An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết, trước đó, tại TP Thủ Đức cũng ghi nhận 15 học sinh ở 4 trường tiểu học nghi bị ngộ độc sau khi ăn sushi từ quán hàng rong trước cổng trường. Các vụ ngộ độc xảy ra ngay đầu tháng 5/2024, trong đó các bệnh viện lớn, gồm Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) liên tiếp tiếp nhận hoặc nhận chuyển tiếp các học sinh bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị nhiễm độc tố vi khuẩn. Theo kết quả xác định ban đầu của Tổ Công tác thuộc Sở Y tế TPHCM, trong vụ ngộ độc có 15 học sinh ở TP Thủ Đức có độ tuổi từ 7 - 11 tuổi đang học tại 4 trường tiểu học trên địa bàn bao gồm: Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (8 trẻ), Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (5 trẻ), Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (1 trẻ) và Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (1 trẻ). Phụ huynh cho biết, vào sáng ngày 2/5/2024 tất cả 15 trẻ này đều ăn cơm cuộn mua trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng 2 - 3 giờ, các cháu lần lượt xuất hiện các triệu chứng buồn nôn rồi nôn nhiều lần, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, một số trẻ bị tiêu chảy.

Theo Sở Y tế TPHCM, việc liên tiếp gần đây xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh đường ruột, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao. Sở Y tế TPHCM cũng lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, những hàng quán lề đường cũng như tại chính mỗi gia đình. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần được quan tâm từ người chế biến cho đến người sử dụng.

Tại buổi họp báo mới đây - đại diện Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, nhiều phụ huynh vẫn giữ thói quen mua thức ăn từ hàng rong bán trước cổng trường cho con do tiện lợi, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao. Đồng thời, chính sự chủ quan này cũng góp phần làm tăng nguy cơ ngộ độc cho trẻ.

Một cán bộ Cảnh sát khu vực tại phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) cũng chia sẻ, việc kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay do thường xuyên thay đổi về thời gian và địa điểm, cũng là nguyên nhân khiến công tác quản lý “đầu vào” thực phẩm trôi nổi thông qua các mô hình này hiện nay rất khó khăn và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chan-thuc-pham-ban-troi-noi-10282885.html