Chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước

Ngày 15/11/2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) (Luật số 29/2018/QH14, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ BMNN số 30/2000/PL-UBTVQH10). Bên cạnh những quy định cụ thể điều chỉnh về khái niệm, phạm vi, trách nhiệm và hoạt động bảo vệ BMNN của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thì Luật Bảo vệ BMNN đã quy định cụ thể về 09 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo vệ BMNN.

Đây là một quy định mới so với Pháp lệnh Bảo vệ BMNN nhằm mục đích hạn chế tối đa các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc lộ, mất BMNN và cũng là những căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN. Cụ thể, Luật quy định 09 hành vi bị nghiêm cấm tại 09 khoản thuộc Điều 5 như sau:

Thứ nhất, làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán BMNN; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa BMNN.

Thứ hai, thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao BMNN trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa BMNN trái pháp luật.

Thứ ba, mang tài liệu, vật chứa BMNN ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật.

Thứ tư, lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ BMNN, sử dụng BMNN để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ năm, soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung BMNN trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ BMNN theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

Theo quy định này, thì “mạng máy tính” cần được hiểu là sự kết hợp giữa các máy tính thông qua các thiết bị kết nối bằng nhiều phương thức (không dây, có dây) ở nhiều quy mô như “mạng cục bộ” tại một phòng làm việc (LAN), “mạng đô thị” có quy mô lớn hơn với phạm vi lớn hơn (MAN) hoặc cũng có thể là “mạng diện rộng” trong một vùng địa lý gồm nhiều tỉnh, thành phố hay có thể là cả một quốc gia (WAN). Việc sử dụng máy tính hoặc thiết bị khác kết nối mạng máy tính, mạng viễn thông tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, mất BMNN trên không gian mạng; từ đó, việc soạn thảo, lưu giữ BMNN trên các thiết bị có kết nối mạng đã được xác định là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Thứ sáu, truyền đưa BMNN trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.

Thứ bảy, chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi BMNN khi chưa loại bỏ BMNN.

Cụm từ “loại bỏ BMNN” ở đây cần được hiểu là việc sử dụng phần mềm kỹ thuật để loại bỏ hoàn toàn thông tin BMNN được lưu giữ trên máy tính, thiết bị; việc xóa bỏ bằng hình thức thủ công thông thường (như: thao tác delete hoặc tổ hợp phím shift + delete) sẽ không loại bỏ hoàn toàn thông tin BMNN, từ đó làm phát sinh những nguyên nhân, điều kiện làm gia tăng nguy cơ, thực trạng lộ, mất BMNN.

Thứ tám, sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.

Thứ chín, đăng tải, phát tán BMNN trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Trong điều kiện hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị các cấp đều có soạn thảo, tạo ra hoặc tiếp nhận, quản lý, lưu giữ, sử dụng tài liệu, vật chứa BMNN nhằm phục vụ các mặt công tác chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao. Từ đó, việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ BMNN nói chung và tuyệt đối không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm nói riêng là những điều kiện, tiền đề quan trọng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ, thực trạng lộ, mất BMNN cũng như các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN.

TRƯƠNG QUÍ PHƯƠNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/phap-luat-ban-doc/chap-hanh-quy-dinh-phap-luat-ve-bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-37863.html