Chất lượng ngành Giáo dục Thanh Hóa ngày càng được nâng cao

Số điểm 10 dẫn đầu cả nước, có thủ khoa khối C00 toàn quốc, điểm trung bình tăng 3 bậc so với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước; có nhiều học sinh đạt huy chương Olympic, 84 học sinh đạt giải cấp quốc gia – đạt tỷ lệ cao nhất cả nước; có 38 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú; tuyển dụng thêm 3.351 người giáo viên; xử lý triệt để vấn đề lạm thu; tích cực chuyển đổi số,..., đó là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục và Đạo tạo (GD-ĐT) tỉnh Thanh Hóa trong năm học 2023 - 2024.

Dấu ấn kỳ thi tốt nghiệp THPT

Năm học 2023-2024, thực hiện chủ đề ‘Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo’; đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua ‘Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập’, ngành Giáo dục Thanh Hóa mặc dù còn những khó khăn, tồn tại nhưng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với rất nhiều kết quả nổi bật.

Ông Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng hoa và bằng khen cho các em học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024.

Ông Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng hoa và bằng khen cho các em học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024.

Trong đó, chất lượng lượng giáo dục đã từng bước được nâng lên ở cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thanh Hóa có 38.769 thí sinh dự thi, đạt điểm số trung bình là 6,82, xếp thứ 18/63 các tỉnh có điểm thi cao nhất (vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 giao là trong top 20), tăng 3 bậc so với năm 2023. Đặc biệt, trong kỳ thi này, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu toàn quốc với 914 điểm 10, vượt qua Hà Nội và Vĩnh Phúc, tăng 2 bậc so với năm 2023. Cùng với đó, tỉnh cũng vinh dự có thủ khoa toàn quốc là em Tô Thị Diệu (29,75 điểm khối C00).

Tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, Thanh Hóa có 90 em dự thi, trong đó, 84 em đã đoạt giải, đạt tỷ lệ 93%, cao nhất cả nước và tăng 23 giải so với năm học trước. Trong đó, số giải lần lượt là 9 giải Nhất (tăng 6 giải so với năm trước), 22 giải Nhì (tăng 7 giải), 23 giải Ba (tăng 1 giải), 30 giải Khuyến khích (tăng 9 giải). Tại các kỳ thi quốc tế, khu vực năm 2024, học sinh Thanh Hóa đạt 1 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á; 1 huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế; 1 huy chương đồng Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev, đóng góp lớn vào thành tích chung của đội tuyển Olympic Việt Nam.

Với sự kết nối kịp thời của VPĐD báo Đại Đoàn kết khu vực Bắc Trung bộ, em Tô Thị Diệu, thủ khoa khối C00 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã nhận học bổng trị giá 40 triệu đồng từ CLB bóng đá Đông Thọ. Ảnh: Đình Minh

Với sự kết nối kịp thời của VPĐD báo Đại Đoàn kết khu vực Bắc Trung bộ, em Tô Thị Diệu, thủ khoa khối C00 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã nhận học bổng trị giá 40 triệu đồng từ CLB bóng đá Đông Thọ. Ảnh: Đình Minh

Cũng trong năm học này, ngành giáo dục Thanh Hóa rất vinh dự khi có 38 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhiều nhất từ trước tới nay. Điều này thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh và trân trọng với những cống hiến, đóng góp của các nhà giáo xứ Thanh trong sự nghiệp ‘trồng người’.

Thực hiện việc đánh giá, công nhận các trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia, tính đến nay, toàn tỉnh có 1.690/1.981 ngôi trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 85,31%). Theo dự kiến, đến hết năm 2024, tỉnh sẽ hoàn thành chỉ tiêu 86,67% theo kế hoạch mà UBND tỉnh đã đề ra.

Thực hiện chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, năm học 2023 – 2024, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh để phục vụ thu thập, quản lý, khai thác các thông tin (trường, lớp, nhân sự, học sinh, cơ sở vật chất,…). Ngoài ra, ngành còn phối hợp với Tập đoàn VNPT, Viettel để triển khai sổ sách điện tử trong các nhà trường. Trong đó, cấp Tiểu học lần đầu triển khai học bạ số từ năm học 2023-2024, còn các cấp khác sẽ triển khai từ năm học 2025 – 2026 khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ.

Thanh Hóa dẫn đầu toàn quốc với 914 điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Thanh Hóa dẫn đầu toàn quốc với 914 điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Nhờ thực hiện tốt chuyển đổi số, 100% cán bộ công chức cơ quan Sở GD-ĐT, cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) của các đơn vị trực thuộc Sở đã có tài khoản E-mail công vụ, chữ ký số để sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc (TDofice) của tỉnh. Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh đã có tài khoản tại các ngân hàng như Agribank, BIDV, Vietinbank,… để thực hiện tiếp nhận các khoản thanh toán không dùng tiền mặt của phụ huynh học sinh.

Đối với dịch vụ công thiết yếu, 100% học sinh đang học lớp 12 tại các trường THPT, THPT nhiều cấp học, Trung tâm GDNN-GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng có giảng dạy chương trình GDTX đã hoàn thành cập nhật thông tin cá nhân, kết quả học tập đúng thời hạn quy định; đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Khắc phục tình trạng lạm thu, thiếu giáo viên

Trước thời điểm năm học 2024 – 2025 bắt đầu, theo rà soát của Sở GD-ĐT, tỉnh Thanh Hóa có trên 40.400 giáo viên trong biên chế ở các cấp học, còn thiếu 6.884 giáo viên so với định mức quy định của tỉnh. Trước thực trạng trên, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh đề nghị Trung ương giao bổ sung 2.654 biên chế sự nghiệp giáo dục cho tỉnh, đồng thời, đề nghị UBND tỉnh giao 3.840 chỉ tiêu lao động hợp đồng làm giáo viên theo Nghị định số 111 năm 2022 của Chính phủ.

Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, ngành giáo dục Thanh Hóa đã khắc phục được phần nào tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục.

Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, ngành giáo dục Thanh Hóa đã khắc phục được phần nào tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục.

Với việc có thêm 6.494 chỉ tiêu trên, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tuyển dụng, xét tuyển thêm được 3.351 người, góp phần từng bước giải quyết vấn đề thiếu giáo viên trong thời gian qua. Theo dự kiến, đến năm 2025, Sở sẽ tiếp tục đề nghị UBND tỉnh giao thêm 6.507 chỉ tiêu lao động hợp đồng làm giáo viên, tương ứng với 50% số lượng còn thiếu giữa số UBND tỉnh giao và số lượng định mức theo quy định của Bộ.

Bên cạnh việc tuyển dụng, xét tuyển tăng cường, ngành giáo dục Thanh Hóa còn tiếp tục thực hiện đề án ‘Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030’ để hướng đến các giải pháp tổng thể như tạo nguồn giáo sinh để sử dụng, tuyển dụng; rà soát, sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh; giảm số điểm trường, nhóm, lớp nhỏ lẻ; linh hoạt bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp, dạy tăng tiết; biệt phái giáo viên từ trường thừa đến trường thiếu; rà soát số giáo viên có trình độ cao đẳng trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy các môn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngày từ đầu năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã ban hành nhiều công văn để ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường học.

Ngày từ đầu năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã ban hành nhiều công văn để ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường học.

Ngoài việc thiếu giáo viên, một vấn đề khác mà dư luận cũng rất quan tâm khi bước vào năm học mới, đó là tình trạng lạm thu trong các nhà trường. Để giải quyết triệt để từ gốc vấn đề này, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2024-2025; yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo cơ quan có thẩm quyền các khoản thu, mức thu,… trước khi triển khai thực hiện; có văn bản chấp thuận chủ trương thực hiện các khoản thu xã hội hóa trong trường học của cơ quan có thẩm quyền trước khi thực hiện; công khai minh bạch các khoản thu của nhà trường đến học sinh, các bậc phụ huynh và toàn xã hội trước khi thực hiện; chủ động, phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục; kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý nghiêm (nếu có) các trường học, người đứng đầu nhà trường thực hiện không đảm bảo quy trình, thực hiện các khoản thu không đúng quy định; công khai rộng rãi kết quả xử lý trường học, người đứng đầu trường học nếu để xảy ra tình trạng ‘lạm thu’.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chat-luong-nganh-giao-duc-thanh-hoa-ngay-cang-duoc-nang-cao-10295695.html