CHẤT VẤN NHÓM LĨNH VỰC KINH TẾ NGÀNH: PHÁN ÁNH ĐÚNG THỰC TIỄN, ĐÚNG VẤN ĐỀ CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN QUAN TÂM

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 7/11 Quốc hội tiếp tục chất vấn về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn và phát biểu tranh luận về các ván đề trong lĩnh vực giao thông vận tải. Theo dõi phiên chất vấn, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng các đại biểu đã đặt ra những vấn đề được cử tri, Nhân dân quan tâm.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Toàn cảnh phiên chất vấn

Phóng viên: Trong phiên chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc chuẩn bị chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư dự án giao thông chưa tốt. Đại biểu cũng dẫn chứng, dự án sử dụng vốn ODA để xây dựng Quốc lộ 19 qua Gia Lai đến nay vẫn chưa hoàn thành hay dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đang thảo luận cũng phải điều chỉnh, 4 trong 5 nguyên nhân được Chính phủ đưua ra là do công tác chuẩn bị. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, dự án của họ chuẩn bị dài, kỹ lưỡng từ 3 - 5 năm, thậm chí 10 - 20 năm, nhưng giải ngân chỉ có vài năm. Còn tại Việt Nam, việc chuẩn bị dự án vài tháng, từ 1 - 2 năm, nhưng giải ngân có khi vài kỳ trung hạn...Với những bất cập trên, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cần tham mưu với Chính phủ đánh giá lại vấn đề này.

Bà có đánh giá như thế nào trong các phần tranh luận của đại biểu Lê Hoàng Anh?

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hoàng Anh khi đã nêu lên được thực trạng tồn tại từ nhiều năm nay liên quan đến các dự án, trong đó các dự án giao thông chiếm tỉ lệ nhiều hơn cả.

Thực tế cho thấy công tác chuẩn bị đầu tư chưa thật sự chu đáo, chưa thật sự bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn như về tiềm lực của nhà đầu tư, khả năng đầu tư, vấn đề tài chính, năng lực, công nghệ, con người…Một số dự án chuẩn bị vội vàng và cho phê duyệt dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện gặp vướng mắc. Từ đó dẫn đến chậm tiến độ. Các dự án giao thông chậm thì sẽ nhiều ảnh hưởng đến các vấn đề khác.

Tôi cho rằng đây là vấn đề Bộ Giao thông cần chủ động trong thẩm quyền của mình thanh tra, kiểm tra các dự án, đôn đốc thực hiện, giải quyết các vấn đề để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án giao thông, thậm chí có thể đình chỉ các dự án không bảo đảm yêu cầu.

Phóng viên: Một trong những nội dung khác được các đại biểu tranh luận là việc khai thác cát. Theo đó, bên cạnh khai thác cát trái phép thì nay những mỏ cát được cấp phép khai thác cũng ảnh hưởng đến môi trường. Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng nên việc hạn chế khai thác cát là một vấn đề cực kỳ quan trọng và kèm theo đánh giá tác động môi trường, cần phải quản lý để làm sao tình trạng khai thác cát hạn chế đến mức thấp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long mới có thể giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, đảm bảo yên lòng cho người dân.

Bà đánh giá như thế nào vấn đề đặt ra, và giải pháp của Bộ trưởng trong vấn đề này?

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Vấn đề quản lý khai thác khoáng sản nói chung và nhất là khai thác cát đã tồn tại nhiều vấn đề trong nhiều năm nay. Trước đây tình trạng khai thác cát bừa bãi, khai thác cát lậu. Đến nay đã quản lý được một phần. Tuy nhiên phần khai thác quá, khai thác vượt mức vẫn xảy ra để lại nhiều hệ lụy sát lở ảnh hưởng đến đời sống người dân, đúng như phản ánh của đại biểu Phạm Văn Hòa.

Tôi cho rằng tới đây, Chính phủ cần quan tâm và có chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có rà soát, thống kê trong cả nước về trữ lưỡng, sản lượng khai thác, đơn vị nào được cấp quyền khai thác. Đồng thời phải giám sát thường xuyên việc thực hiện trên thực tế, nhất là khai thác quá mức. Có lẽ đã đến lúc cần có chỉ đạo để chấm dứt tình trạng này.

Phóng viên: Giải pháp thu hút nhà đầu tư tham gia dự án PPP trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng là nội dung được nhiều đại biểu đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên sau phần trả lời, các đại biểu cho rằng Bộ trường cần có giải pháp cụ thể hơn. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Chia sẻ với các Bộ trưởng, có người mới nhận nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ, có người mới nhận nhiệm vụ mới vài tháng nên trong quá trình trả lời có những vấn đề được làm rõ, có những vấn đề còn chung chung trong giải pháp.

Liên quan đến thu hút đầu tư các dự án PPP, liên quan đến phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của đất nước, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn chế hiện nay thì cần có các giải pháp cụ thể và đột phá là điều cử tri mong đợi. Do đó, cần có những điểm nhấn giải pháp đột phá trong phần trả lời của các Bộ trưởng./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81830