Châu Âu chia rẽ về giải pháp hòa bình cho Ukraine
Gần 3 năm ngày Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước châu Âu tiếp tục chia rẽ trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Kiev.
Gần 3 năm ngày Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước châu Âu tiếp tục chia rẽ trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Kiev.
Trước thềm đánh dấu tròn 3 năm ngày Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước châu Âu đang đối mặt với thử thách thống nhất trong quan điểm và hành động để hỗ trợ Kiev. Điều này đối với châu Âu đặc biệt quan trọng, khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ dấu hiệu châu Âu có thể đứng bên lề trong các cuộc đàm phán tìm kiếm hòa bình.
Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn tiếp tục chia rẽ trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Ukraine.
Nhiều nước châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Latvia và Hy Lạp tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phát biểu: "Để hòa bình được công bằng và lâu dài, các cuộc đàm phán phải có sự tham gia tích cực của Ukraine và Liên minh châu Âu".

(Ảnh: AP)
Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs tuyên bố: "Nhiệm vụ chung của tất cả các nước Bắc Âu và Baltic, nhiệm vụ chung của châu Âu là làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng châu Âu có thể cung cấp sự hỗ trợ cho Ukraine. Chúng ta sẽ phải mở hầu bao và huy động tối đa mọi nguồn lực có trong tay".
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố sẽ ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU): "Ukraine sẽ lại trở thành vùng đệm. Nước này sẽ không phải là thành viên NATO. Nhưng liệu quốc gia này có trở thành thành viên của EU hay không? Điều đó sẽ được quyết định bởi người Hungary. Ukraine sẽ không bao giờ trở thành thành viên của Liên minh châu Âu nếu đi ngược lại lợi ích của Hungary và người Hungary".
Hiện tại, EU đã nhất trí về gói trừng phạt Nga thứ 16, áp dụng đúng ngày 24/2 - ngày cuộc chiến Nga - Ukraine tròn 3 năm.
Tuần tới, lần lượt Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ có chuyến thăm riêng rẽ tới Mỹ. Vấn đề đàm phán hòa bình Nga - Ukraine sẽ là một trong những nội dung thảo luận chính.