Châu Âu phản ứng dữ dội trước 'đòn' thuế quan mới nhất của ông Trump

Thuế quan của ông Trump sẽ gây ra mối đe dọa đặc biệt đối với nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất châu Âu - Đức.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về áp dụng mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, không có miễn trừ hay ngoại lệ, đã gây ra sự phản đối dữ dội trên khắp châu Âu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 11/2 cảnh báo rằng mức thuế quan mới của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) "sẽ kích hoạt các biện pháp đối phó cứng rắn và tương xứng".

"Thuế quan phi lý đối với EU sẽ được đáp trả", bà Von der Leyen cho biết trong một tuyên bố. "EU sẽ hành động để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Chúng tôi sẽ bảo vệ người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng của mình".

Phát biểu trước các thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) tại Strasbourg hôm 11/2, Ủy viên châu Âu về Thương mại và An ninh Kinh tế Maros Sefcovic mô tả mức thuế quan mới của Mỹ là "kịch bản đôi bên đều thua", đồng thời cho biết, EU sẽ phản ứng "kiên quyết và tương xứng".

"Chúng tôi hiện đang đánh giá phạm vi của các biện pháp thuế quan mới được công bố và sẽ phản ứng theo cách kiên quyết và tương xứng bằng các biện pháp đối phó", ông Sefcovic nói.

Các cuộn thép tại một nhà máy ở Đức. Đức là nhà xuất khẩu thép lớn nhất châu Âu sang Mỹ. Ảnh: DW

Các cuộn thép tại một nhà máy ở Đức. Đức là nhà xuất khẩu thép lớn nhất châu Âu sang Mỹ. Ảnh: DW

Mức thuế quan mới của Mỹ đối với thép và nhôm dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 3, để lại một khoảng thời gian cho các cuộc đàm phán có thể xảy ra.

Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được một thỏa thuận với các nhà lãnh đạo châu Âu vào năm 2021 cho phép một số lượng thép và nhôm cụ thể được nhập khẩu vào Mỹ mà không phải chịu thuế. Thỏa thuận đã được gia hạn vào năm 2023 và sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm nay.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, nước này đã nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn sản phẩm thép và 283.000 tấn sản phẩm nhôm từ EU vào năm 2022. Đức là nước xuất khẩu thép lớn nhất châu Âu sang Mỹ, tiếp theo là Italy và Tây Ban Nha.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định lập trường của EU về các biện pháp đối phó. "Nếu Mỹ không để lại cho chúng ta lựa chọn nào khác, EU sẽ phản ứng bằng một lập trường thống nhất", ông Scholz phát biểu trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức (Bundestag) hôm 11/2.

Tuy nhiên, ông cảnh báo về việc leo thang căng thẳng. "Tôi hy vọng chúng ta có thể tránh được con đường sai lầm của thuế quan và thuế quan đối kháng, vì chiến tranh thương mại cuối cùng sẽ gây tổn hại đến sự thịnh vượng của cả hai bên", người đứng đầu chính phủ Đức nói.

Ông Scholz cũng cảnh báo rằng thuế quan của Mỹ có thể sớm mở rộng ra ngoài thép và nhôm, gây ra mối đe dọa đặc biệt đối với Đức với tư cách là nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất châu Âu.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 11/2 cho biết, Warsaw đang chuẩn bị cho tác động tiềm tàng của thuế quan Mỹ. "Cần phải làm mọi cách để tránh các cuộc chiến thương mại và hải quan không cần thiết, vì điều này gây ra hậu quả tiêu cực cho người sản xuất và người tiêu dùng", ông Tusk phát biểu trước một cuộc họp của chính phủ.

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Séc Lukas Vlcek, trả lời phương tiện truyền thông địa phương hôm 11/2, cho biết rằng châu Âu cần hành động đồng loạt chống lại thuế quan của Mỹ. Ông cho biết, xét đến quy mô thương mại của EU với Mỹ, một cuộc chiến thuế quan sẽ không giúp ích cho bất kỳ ai.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, trong một bài đăng trên mạng xã hội vào tối 10/2 rằng việc áp đặt thuế quan cao đối với thép và nhôm từ châu Âu là biểu hiện cho sự ngờ vực của ông Trump đối với sức mạnh của EU.

Một loạt chính sách bảo hộ mới của Mỹ có thể gây tổn hại đến thương mại toàn cầu, phá vỡ chuỗi cung ứng và cuối cùng là gây gánh nặng cho người tiêu dùng tại "xứ cờ hoa", ông Fabrizio Hochschild, cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho biết hôm 11/2.

"Lịch sử cho thấy rằng thuế quan đơn phương thường gây ra các biện pháp trả đũa, phá vỡ chuỗi cung ứng và làm suy yếu sự ổn định kinh tế", ông Hochschild lưu ý, đồng thời nhấn mạnh rằng các tranh chấp thương mại nên được giải quyết thông qua các cơ chế đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

"Trong mọi trường hợp, mức thuế được công bố cuối cùng sẽ gây hại cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ", ông Drago Patrlj, nhà phân tích chính trị người Croatia cho biết. "Thế giới dường như đang hướng đến một cuộc chiến tranh thương mại, và rất không chắc chắn ai sẽ thắng và ai sẽ thua", ông nói,

"Trên thực tế, tất cả mọi người đều sẽ thua, chỉ là vấn đề ai sẽ thua nhiều hơn", vị chuyên gia chỉ ra.

Minh Đức (Theo Xinhua, NY Times)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chau-au-phan-ung-du-doi-truoc-don-thue-quan-moi-nhat-cua-ong-trump-204250212104315427.htm