Châu Âu phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới Moskva
Hiệp ước INF không còn hiệu lực sẽ giúp xóa bỏ hạn chế về việc chế tạo tên lửa đạn đạo tầm trung đối với châu Âu.

6 quốc gia châu Âu là thành viên của NATO bao gồm Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Thụy Điển và Anh đang chuẩn bị tăng cường năng lực răn đe của liên minh thông qua một tên lửa đạn đạo tầm trung đặc biệt.

Hiện tại những nước này đã tiến hành lựa chọn các nhà thầu chính cho dự án Tiếp cận tấn công tầm xa của châu Âu (ELCA), dự kiến sẽ được triển khai vào khoảng tháng 6/2025.

Sáng kiến này nhằm mục đích tạo ra một tên lửa đạn đạo tầm trung triển khai trên bộ có tầm bắn trong khoảng 1.500 - 2.000 km, tức là đủ khả năng vươn tới Moskva.

Ấn phẩm Defense News cho biết, dự án này đang được triển khai bên ngoài khuôn khổ hành chính của Liên minh châu Âu, nhằm mục đích mang lại sự linh hoạt cao hơn và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển.

Tờ báo Le Figaro nhấn mạnh, Pháp là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tên lửa đạn đạo, sẽ tiếp nhận việc quản lý dự án thông qua công ty ArianeGroup, nổi tiếng với những thành tựu trong ngành hàng không vũ trụ.

Trong khi đó những quốc gia còn lại sẽ giám sát từng phân khúc riêng lẻ của chương trình, dựa trên thế mạnh công nghệ của họ, mang lại tính chuyên môn hóa cao.

Theo thông tin từ ấn phẩm Handelsblatt, quá trình phân chia công việc cho thấy Đức sẽ tập trung vào nghiên cứu chế tạo hệ thống dẫn đường, trong khi Ý và Thụy Điển đóng góp vào việc phát triển động cơ và vật liệu.

Ba Lan do vị trí nằm gần khu vực xung đột tiềm tàng cho nên sẽ tập trung tích hợp tên lửa vào hệ thống vũ khí răn đe, còn Vương quốc Anh sẽ cung cấp chuyên môn về an ninh mạng và quản lý.

Hãng tin Reuters cho biết, dự án ELCA chính là câu trả lời trước mối lo ngại ngày càng tăng cao của châu Âu về việc bị tụt hậu so với Nga, khi Moskva đã sở hữu những tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên bộ như Iskander và Kalibr, với tầm bắn lên đến 2.500 km.

Một số chính trị gia tại Pháp được tờ Defense News phỏng vấn cho biết Dự án ELCA sẽ giúp thu hẹp "cự ly nguy hiểm" giữa vũ khí thông thường và hạt nhân, mang lại cho châu Âu phương tiện để tấn công sâu mà không leo thang đến cấp độ mất kiểm soát.

Trang Breaking Defense nói thêm, kinh nghiệm từ cuộc chiến Ukraine và Trung Đông cho thấy tên lửa đạn đạo vẫn là mục tiêu khó đánh chặn ngay cả đối với những tổ hợp vũ khí phòng thủ tối tân như Patriot hay THAAD, khiến việc đầu tư trở thành ưu tiên chiến lược.

Tờ The Guardian nói thêm, Dự án ELCA được triển khai trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng khi Nga tiến hành một loạt bài kiểm tra đối với tên lửa siêu thanh vào năm 2024, bao gồm cả Oreshnik, làm gia tăng sức ép lên châu Âu.

Không chỉ có vậy, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cảnh báo sẽ không đảm bảo an ninh cho các đồng minh châu Âu như trước kia càng khiến các thành viên NATO trên Cựu lục địa phải nhanh chóng "tự thân vận động".

Với tiềm lực khoa học công nghệ và tài chính của mình, tên lửa đạn đạo tầm trung tiên tiến của châu Âu dự kiến sẽ sớm hoàn thành, đây là viễn cảnh chắc chắn khiến Moskva cảm thấy lo lắng.