Chi 3.000 tỷ đồng bảo trì hạ tầng, đường sắt liệu có hết ế khách?
Tổng kinh phí dành cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 là 3.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021.
Năm 2021 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin vay 800 tỉ đồng không tính lãi để tránh nguy cơ dừng hoạt động
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022. Theo kế hoạch, tổng kinh phí dành cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 là 3.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2021.
Trong đó chi bảo dưỡng thường xuyên là hơn 2.694 tỷ đồng; chi sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 và sửa chữa đột xuất là 260 tỷ đồng; chi phí dự phòng chưa phân bổ gần 46 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với khối lượng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; số liệu chính xác của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho Bộ Giao thông Vận tải.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định hiện hành, đảm bảo việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, an toàn chạy tàu.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản chính thức ủy quyền Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và ký hồ sơ quyết toán kinh phí, thanh lý hợp đồng đặt hàng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Để việc triển khai thực hiện việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định của pháp luật cũng như ổn định đời sống cho cán bộ, công nhân đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ký Hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm căn cứ để các đơn vị triển khai thực hiện.
Cuối tháng 6/2021, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải xin vay 800 tỉ đồng không tính lãi nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Khoản vay 800 tỉ đồng này nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động của tổng công ty. Khi thị trường phục hồi, có dòng tiền, Tổng Công ty Đường sắt sẽ trả lại.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Đường sắt cho biết năm 2020, hoạt động sản xuất - kinh doanh của tổng công ty chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Mặt khác, do ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ tại miền Trung vào tháng 11 và 12-2020 nên sản lượng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 81% so với năm 2019 và lỗ 1.300 tỉ đồng. Sang năm 2021, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục ảnh hưởng bởi các khó khăn trên, ước tính Tổng Công ty Đường sắt lỗ khoảng hơn 900 tỷ đồng trong năm đại dịch.
Trước sự phát triển nhanh và mạnh của hệ thống đường bộ, cộng với lượng vận tải hành khách đường bộ phát triển nhanh, cùng với đó là giá máy bay ngày càng rẻ, đi lại tiện lợi nên lượng khách đi tàu ngày càng ít.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bước sang năm 2022 nếu đại dịch được khống chế, các gói kích thích kinh tế của Chính phủ phát huy hiệu quả thì đường sắt Việt Nam mới có nhiều hy vọng để trở lại ổn định và thoát lỗ.