Chỉ nêu 1 phương án để xin ý kiến đại biểu về nồng độ cồn

UBTVQH sẽ thiết kế lấy phiếu xin ý kiến đại biểu (đồng ý hoặc không đồng ý) đối với 1 phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn để bảo đảm sự tương thích với hệ thống pháp luật, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, trong khuôn khổ phiên họp thứ 34, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Một trong những vấn đề tiếp tục được thảo luận là về quy định về cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 2, điều 10).

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có nhiều ý kiến nhất trí quy định cấm hành vi “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB).

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, quy định trên được kế thừa quy định tại khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thống nhất với quy định tại khoản 6, điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tại kỳ họp thứ 6, đa số ĐB nhất trí với quy định này và một số ĐB đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất.

UBTVQH đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và đã được thể hiện cụ thể tại Báo cáo số 835/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật TTATGTĐB gửi các vị đại biểu đầu kỳ họp thứ 7; không có đoàn ĐBQH nào đề nghị lấy ý kiến ĐBQH theo 2 phương án về nội dung này.

“Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị UBTVQH cho tiếp tục thực hiện quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, ông Lê Tấn Tới tóm tắt kiến nghị.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về ý kiến đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà có độ nồng độ cồn như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết: “Theo chuyên gia y tế thì cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được. Thực tiễn, qua hoạt động kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn”.

Tán thành đề xuất của cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị khi Quốc hội xem xét thông qua luật cần biểu quyết riêng điều này…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, UBTVQH sẽ thiết kế lấy phiếu xin ý kiến ĐB (đồng ý hoặc không đồng ý) đối với 1 phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn để bảo đảm sự tương thích với hệ thống pháp luật, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.

“Đèn vàng, sao các đồng chí lại cứ ngại tiếp thu”

Đây là phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại phiên thảo luận. Ông nói: “Đại biểu đề nghị chỉnh lý quy định về đèn vàng với nhiều cơ sở khoa học, rất chi tiết, thuyết phục, tại sao các đồng chí lại cứ ngại tiếp thu”?

Trước đó, thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 22-5, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phân tích, quy định “đèn vàng dừng lại” thì không khác gì đèn đỏ, không phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như Công ước Viên 1968 về đường bộ. ĐB kiến nghị cụ thể: “Công ước Viên 1968 quy định tín hiệu đèn vàng thì phải đi chậm và dừng trước vạch dừng. Trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”. Theo ĐB, dự thảo cũng nên quy định theo hướng này, nghĩa là giữ như Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung năm 2018.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chi-neu-1-phuong-an-de-xin-y-kien-dai-bieu-ve-nong-do-con-post744048.html