Chỉ vài ngành chủ lực của kinh tế số đã tạo tới 10% GDP Trung Quốc
Giá trị gia tăng từ các ngành công nghiệp cốt lõi trong nền kinh tế số của Trung Quốc như phần mềm, dịch vụ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn được dự báo sẽ đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này trong năm nay...

Thành phố Bắc Kinh.
Theo China Daily, dự báo này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng tốc thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện, theo Kế hoạch hành động “Xây dựng Trung Quốc số” đến năm 2025 do Cơ quan Quản lý Dữ liệu Quốc gia Trung Quốc công bố.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tập trung vào tám nhiệm vụ trọng tâm: cải cách thể chế, phát triển thương hiệu số mang bản sắc địa phương, mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua chiến lược “AI Plus”, nâng cấp hạ tầng số, phát triển ngành công nghiệp dữ liệu, đào tạo nhân lực số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào đời sống – sản xuất và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực số.
Mục tiêu đến cuối năm 2025 là xây dựng nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế số hiện đại, với quy mô sản xuất số mở rộng và hiệu quả kinh tế được nâng cao rõ rệt nhờ ứng dụng công nghệ.
Đến thời điểm đó, tổng sức mạnh tính toán của Trung Quốc, tức khả năng xử lý dữ liệu của các hệ thống máy tính, sẽ vượt mốc 300 EFLOPS (1 EFLOPS tương đương với 1 triệu tỷ phép tính mỗi giây).
Cùng với việc nâng cao năng lực công nghệ, Trung Quốc cũng sẽ từng bước hình thành một thị trường dữ liệu thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đây được xem là nền tảng quan trọng để dữ liệu có thể được khai thác, chia sẻ và ứng dụng một cách hiệu quả hơn vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc xác định sẽ đẩy mạnh cải cách trong cách phân bổ và sử dụng dữ liệu, chuyển dần sang cơ chế vận hành theo định hướng thị trường. Quá trình này sẽ được gắn với điều kiện cụ thể của từng địa phương, tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển dựa trên lợi thế đặc thù từng vùng miền. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Song song đó, quốc gia này sẽ tập trung đầu tư phát triển các ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo, xây dựng các bộ dữ liệu AI chất lượng cao, nâng cấp hạ tầng Internet vạn vật (IoT) và Internet công nghiệp. Một trong những dự án trọng điểm là sáng kiến “máy tính phía Đông – dữ liệu phía Tây”, nhằm tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên số giữa các vùng lãnh thổ, từ đó tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế dựa trên dữ liệu.