'Chìa khóa vàng' mở ra cánh cửa hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), là cách duy trì trật tự, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Theo các chuyên gia tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 tại TP.HCM, nếu 15 năm trước đây, Biển Đông được cho là vấn đề tranh chấp song phương của các nước trong khu vực thì giờ đây Biển Đông được đánh giá là vấn đề quốc tế, có nhiều rủi ro xung đột hơn và nếu có xảy ra xung đột sẽ dễ dẫn đến leo thang mở rộng.

Để tránh va chạm trên biển

Thời gian qua, trên Biển Đông đã xảy ra những vụ va chạm giữa tàu của các nước khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về nguy cơ gây ra xung đột, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực. Chẳng hạn gần đây nhất, vào ngày 22-10, tàu dân quân biển Trung Quốc đâm va các tàu của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Cần phải duy trì hệ thống luật pháp quốc tế vì mỗi quốc gia là một phần của cộng đồng quốc tế và một hệ thống pháp luật sẽ giúp đảm bảo các chủ thể tuân thủ nguyên tắc chung của cộng đồng. Cạnh đó, khi các quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, các nước có thể kích hoạt các cơ chế nhất định trong luật để bảo vệ mình.

GS CARL THAYER, ĐH New South Wales (Úc)

Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM về cơ chế tránh va chạm trên biển, ông Gregory B. Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cho biết đã có luật và các chuẩn mực quốc tế điều chỉnh về hoạt động an toàn trên biển. Chẳng hạn như các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) nhằm tránh va chạm trên biển, Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES)... Những quy định này sẽ chỉ rõ cách tiến hành liên lạc giữa các tàu, tàu nào phải nhường đường nếu tàu kia đến gần.

Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông, vẫn xảy ra tình trạng một số quốc gia cố tình phớt lờ những quy tắc đó và gây nguy hiểm khiến các nước khác gặp khó khăn trong việc giảm thiểu nguy cơ va chạm. Theo ông Poling, các nước không có nhiều giải pháp ngoài việc chỉ đích danh và phê phán quốc gia có hành vi không tuân thủ các quy tắc an toàn trên biển nhằm gây áp lực buộc quốc gia đó hành xử chuẩn mực hơn.

Chuyên gia Poling cũng thừa nhận việc thiếu cơ chế thực thi pháp luật là một vấn đề của luật quốc tế. Dù luật quốc tế mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng không có lực lượng cảnh sát quốc tế để buộc các quốc gia phải tuân thủ luật. Do đó, một giải pháp khả dĩ là các nước có thể áp đặt những biện pháp hạn chế kinh tế hoặc ngoại giao lên chủ thể vi phạm đó và việc này sẽ tùy thuộc vào ý muốn của từng quốc gia.

 Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 tại TP.HCM. Ảnh: ĐỨC HIỀN

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 tại TP.HCM. Ảnh: ĐỨC HIỀN

Cần thiết phải tuân thủ luật

Trong hội thảo, hầu hết chuyên gia khẳng định luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, là khuôn khổ cho hành vi ứng xử của các quốc gia trên biển. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng có một vài chủ thể đã diễn giải luật sai lệch theo cách thức “lựa chọn có lợi cho mình” để củng cố các yêu sách vùng biển không phù hợp với luật pháp quốc tế, qua đó làm xói mòn trật tự pháp lý trên biển.

Để giải quyết vấn đề này, có ý kiến cho rằng bằng cách gây ảnh hưởng về mặt uy tín và ngoại giao của chủ thể đó, cộng đồng quốc tế có thể cho chủ thể thấy rằng họ sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn khi tuân thủ luật và phá luật sẽ phải trả giá đắt. Cạnh đó, cũng có chuyên gia đề xuất rằng các quốc gia nhỏ có liên quan tại Biển Đông cần tập hợp để cùng đấu tranh chống lại xu hướng vận dụng luật pháp sai lệch.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, GS Carl Thayer, ĐH New South Wales (Úc), nhấn mạnh rằng cần phải hiểu luật pháp quốc tế không hoạt động một cách độc lập mà nó phụ thuộc vào sự cân bằng quyền lực giữa các nước, vai trò của các cường quốc, đại diện cho lợi ích của cộng đồng quốc tế, ưu tiên giải quyết xung đột thông qua biện pháp ngoại giao và phải tuân theo một số điều khoản nhất định. Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế, các nước cần phối hợp những yếu tố này.

“Trong nỗ lực thúc đẩy các nước tuân thủ luật quốc tế, việc cân bằng cán cân quyền lực là bắt buộc, nghĩa là các nước lớn không có quyền áp đặt quyết định lên các nước nhỏ. Trong khi đó, những quốc gia vừa và nhỏ cần thúc giục các nước lớn hành động có chừng mực, đồng thời nhận thức rằng họ có quyền tự vệ hoặc thậm chí dùng tới vũ lực tuân theo luật pháp quốc tế để ngăn các quốc gia khác đe dọa và sử dụng vũ lực” - GS Thayer giải thích.•

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 với chủ đề “Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh” do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức diễn ra tại TP.HCM trong hai ngày 25 và 26-10.

Hội thảo gồm tám phiên thảo luận với sự góp mặt của hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp, gần 250 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến; quy tụ gần 50 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ gần 20 quốc gia từ các châu lục khác nhau và gần 70 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Năm nay, hội thảo có điểm mới về ý tưởng và tổ chức khi lần đầu có một phiên thảo luận giữa đại diện từ lực lượng cảnh sát biển của một số nước ven Biển Đông và một phiên thảo luận của các nhà lãnh đạo trẻ tại khu vực.

ĐỨC HIỀN - CHÍ THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chia-khoa-vang-mo-ra-canh-cua-hoa-binh-on-dinh-o-bien-dong-post758491.html