Chia sẻ trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành 3.000km đường cao tốc vào năm 2025

Ngày 10/10, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đề nghị các địa phương, chủ đầu tư chia sẻ trách nhiệm, sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bảo đảm thời gian về đích của các dự án, đáp ứng mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

Bổ sung dự án vào “chặng đua” 500 ngày đêm

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tại phiên họp lần thứ 13 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo tình hình triển khai các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025.

Tổng chiều dài các dự án khoảng 1.172km (gồm 1.104 km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025 và 68km theo kế hoạch hoàn thành năm 2026, có thể rút ngắn tiến độ để hoàn thành năm 2025). Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp có đề xuất bổ sung dự án thành phần 2, dự án đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu dài 16km vào danh mục dự án hoàn thành năm 2025 theo chương trình thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc.

Đến nay, có 28 dự án/dự án thành phần (16 dự án do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản, 12 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản) dự kiến hoàn thành trong năm 2025, được chia thành 3 nhóm dự án: Nhóm 1 gồm 13 dự án/dự án thành phần (dài 736km) hoàn thành năm 2025, cơ bản không còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhóm 2 gồm 9 dự án/dự án thành phần (dài 300km) cần tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025. Nhóm 3 gồm 6 dự án/dự án thành phần và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức-Long Thành (dài 152km) phải rất nỗ lực mới có thể hoàn thành năm 2025.

Ông Lê Quyết Tiến cho hay, đối với nhóm 1, khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng, di dời đường điện cao thế không lớn nhưng tập trung tại khu vực có khối lượng đào đắp lớn, cần tận dụng vật liệu (dự án Hoài Nhơn-Quy Nhơn) và tại các khu vực xử lý nền đất yếu với thời gian chờ lún từ 10-12 tháng (vướng đường điện cao thế ở các dự án: Bãi Vọt-Hàm Nghi; Hàm Nghi-Vũng Áng; Chí Thạnh-Vân Phong), tiến độ thi công vẫn bị ảnh hưởng.

Nhiều dự án vẫn đang vướng mặt bằng và nguồn vật liệu.

Nhiều dự án vẫn đang vướng mặt bằng và nguồn vật liệu.

“Ở nhóm 2, mặt bằng tại các dự án Hòa Liên-Túy Loan, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đoạn qua Khánh Hòa chưa đáp ứng yêu cầu. Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ-Cà Mau nguồn vật liệu cát đắp còn gặp nhiều khó khăn, khối lượng khai thác chưa đáp ứng tiến độ thi công. Dự án Hòa Liên-Túy Loan, Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua Hà Giang còn thiếu nguồn cung cấp đá. Còn nhóm 3, mặt bằng tại Đồng Nai triển khai rất chậm (dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh); nguồn vật liệu các dự án Biên Hòa-Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh chưa được tháo gỡ, nếu không giải quyết dứt điểm để khai thác trong tháng 10/2024 sẽ khó hoàn thành trong năm 2025”, ông Tiến băn khoăn.

Còn gói thầu J3-1 dự án Bến Lức-Long Thành (cầu Phước Khánh) do phải chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền về nguồn vốn Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tự thu xếp nên chưa thể lựa chọn nhà thầu, rất khó hoàn thành đúng tiến độ.

Cân đối nguồn vật liệu

Đánh giá cao sự nỗ lực của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các địa phương trong xử lý vướng mắc về mặt bằng, nguồn vật liệu, cũng như nghiên cứu giải pháp tối ưu về thời gian thi công các dự án, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng bày tỏ lo lắng khi thời điểm hiện tại, một số dự án vẫn chưa đáp ứng được tiến độ như kỳ vọng.

“Thực tế ấy đòi hỏi các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các địa phương phải chia sẻ trách nhiệm, nâng cao tinh thần, trách nhiệm ở mức cao nhất, nhận diện đầy đủ khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ cho dự án. Phần việc nào của địa phương, địa phương phải chủ động. Công việc nào của Bộ Giao thông vận tải, Bộ sẽ xắn tay tháo gỡ ngay lập tức, sớm nhất có thể”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm soát việc xử lý nền đất yếu, ưu tiên thi công hầm, cầu lớn,...

Bộ trưởng Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm soát việc xử lý nền đất yếu, ưu tiên thi công hầm, cầu lớn,...

Người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu các ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương để hoàn thành giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật. Các ban quản lý dự án liên quan phối hợp với địa phương thực hiện ngay thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tăng cường các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các đoạn tuyến hiện vướng diện tích đất rừng tại dự án đường cao tốc bắc-nam các đoạn: Vũng Áng-Bùng, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Vân Phong - Nha Trang.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, địa phương phải chia sẻ trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm ở mức cao nhất, nhận diện đầy đủ khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ cho dự án. Phần việc nào của địa phương, địa phương phải chủ động. Công việc nào của Bộ Giao thông vận tải, Bộ sẽ xắn tay tháo gỡ ngay lập tức, sớm nhất có thể”.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Với các dự án thành phần thuộc đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) có kế hoạch về đích vào dịp 30/4/2025, Bộ trưởng lưu ý cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ, toàn bộ việc đào đắp nền đường, thi công các công trình cầu, hầm,… phải hoàn thành trước ngày 31/12/2024 để đồng loạt tổ chức thi công mặt đường và hệ thống an toàn giao thông.

Các dự án còn lại, cần kiểm soát công tác xử lý nền đất yếu, ưu tiên triển khai thi công hầm, cầu lớn để bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giám sát điều hành giao thông, bảo đảm khi tuyến cao tốc vào khai thác, hệ thống giao thông thông minh hoạt động đồng thời”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề vật liệu thi công các dự án, Bộ trưởng chỉ rõ: Thời điểm hiện tại, cần tính toán nguồn vật liệu song song với tháo gỡ mặt bằng. Không để xảy ra tình trạng mặt bằng chờ vật liệu, đặc biệt đối với dự án cao tốc bắc-nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau, chủ đầu tư, nhà thầu phải có giải pháp cụ thể. Ngay cả khi tính đến việc phải sử dụng đá thay cát trong thi công nền thì vẫn phải nỗ lực làm thủ tục nâng công suất các mỏ cát, duy trì nguồn vật liệu thi công liên tục.

Các đơn vị liên quan được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giám sát điều hành giao thông, bảo đảm khi tuyến cao tốc vào khai thác, hệ thống giao thông thông minh hoạt động đồng thời.

Các đơn vị liên quan được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giám sát điều hành giao thông, bảo đảm khi tuyến cao tốc vào khai thác, hệ thống giao thông thông minh hoạt động đồng thời.

“Chủ đầu tư phải tính toán kỹ, trong bối cảnh vật liệu không bảo đảm, thời gian gia tải kéo dài thêm, khiến thời gian thi công bị rút ngắn lại, khi tổ chức thi công móng mặt đồng loạt, nhà thầu có bảo đảm được thiết bị, con người không? Công địa có đủ điều kiện để máy móc huy động đồng loạt ra làm không? Do vậy, phải hoạch định những đoạn tuyến thi công cuốn chiếu, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện các công đoạn cuối cùng”, Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng nhận định, trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đảm nhận một khối lượng công việc rất lớn, từ các dự án trọng điểm quốc gia về sân bay, đường vành đai, đến các tuyến đường cao tốc, tuy nhiên, địa phương cũng cần cố gắng hơn, chậm nhất bàn giao 100% mặt bằng trong tháng 10/2024, mặc dù hiện tại, đoạn tuyến giao Bộ Giao thông vận tải đã bớt khó hơn nhưng thách thức còn rất lớn. Mặt bằng sạch, vật liệu đủ, nhà thầu dồn lực 24/7 trên tất cả các mũi thi công, hy vọng đưa dự án về đích năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án phối hợp với địa phương thực hiện ngay thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tăng cường các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các đoạn tuyến hiện vướng diện tích đất rừng tại dự án đường cao tốc bắc-nam.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các ban quản lý dự án phối hợp với địa phương thực hiện ngay thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tăng cường các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các đoạn tuyến hiện vướng diện tích đất rừng tại dự án đường cao tốc bắc-nam.

Lấy thí dụ Điện Biên là tỉnh nghèo, nhưng khi triển khai đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, tỉnh này đã “cân đong đo đếm, giật gấu vá vai” để cân đối 1.200 tỷ đồng vốn địa phương làm dự án, do vậy các địa phương khi đã cam kết bố trí nguồn vốn cùng với Trung ương thực hiện dự án thì phải quyết tâm thực hiện. Nguồn thu dự kiến không bảo đảm thì phải tính toán cân đối vốn đầu tư từ nguồn khác, không thể chỉ trông chờ vào Trung ương.

“Đối với dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang cần quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, bù sản lượng bị chậm, tỉnh Hà Giang chủ động trong việc điều chỉnh quy hoạch khai thác khoáng sản để khơi thông vướng mắc về nguồn đá cho dự án, bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương hoàn thành dự án đúng tiến độ”, Bộ trưởng Giao thông vận tải đề nghị.

VIỆT DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chia-se-trach-nhiem-phan-dau-hoan-thanh-3000km-duong-cao-toc-vao-nam-2025-post836050.html