Chiêm bái thập bát La Hán chùa Tây Phương

Được tạc cách đây gần 300 năm nhưng bộ tượng 18 vị La Hán chùa Tây Phương (Hà Nội) luôn được các nhà nghiên cứu đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình giàu cảm xúc, sống động. Bộ tượng các vị Tổ đầu tiên của Phật giáo có ở chùa Tây Phương đã trở thành kiệt tác nghệ thuật mang đậm hồn cốt Việt và là những bảo vật vô giá của Phật giáo Việt Nam.

Chùa Tây Phương (Hfa Nội)

Chùa Tây Phương (Hfa Nội)

Sự sáng tạo mang tinh thần Việt

Tượng các vị Tổ tại chùa Tây Phương được đánh giá là đặc sắc, chân thật, tư thế, điệu bộ, không có vị nào giống vị nào, mỗi người một vẻ. Điều đó có được là do những bàn tay tài năng của các nghệ nhân Việt. Thoát khỏi hoàn toàn các khuôn mẫu chuẩn mực của các tượng Phật, Bồ tát, 18 vị La Hán tại chùa Tây Phương đã khoác lên mình những sáng tạo, cảm hứng sống động. Nếu như các tượng Phật thường ở trong trạng thái tĩnh: ngồi vững chãi trên tòa sen, mắt nhắm hờ, bất động chìm trong cõi bất khả tư nghị, các nếp áo đều phủ xuống lặng lẽ, thì các tượng Tổ chùa Tây Phương ở trong trạng thái động: đứng, ngồi, nói, thuyết, quạt... rất sinh động phong phú, các tà áo bay tung, bước chân vững chãi...

Các vị La Hán vẫn đứng vẫn ngồi vẫn đau khổ bi ai cùng trần thế. Những trạng thái bi ai, khổ hạnh được tái hiện rất sống động, chân thực. Các nghệ nhân điêu khắc dân gian của làng mộc truyền thống Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) nức tiếng xứ Đoài đã thổi hồn cuộc sống vào các tượng Tổ này, hơn bất cứ pho tượng nào trong chùa. Các tượng đều bằng gỗ mít phủ sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII và được sắp theo thứ tự số Tổ.

Một số tượng La Hán chùa Tây Phương

Một số tượng La Hán chùa Tây Phương

Những nhà khảo cứu trong quá trình tìm hiểu đã đối chiếu những pho tượng này với hình vẽ trong thư tịch cổ thì thấy hầu hết có bố cục giống nhau, chỉ một ít tượng khác hẳn về cách sắp xếp. Song về bản chất 18 vị La Hán ở đây vẫn đồng nhất về căn bản và nhất là ở những chi tiết đặc thù. Vì thế qua nhận diện có thể khôi phục chính xác tên và xây dựng lai lịch cho từng nhân vật. Đứng đầu trong 18 vị La Hán là hai Tổ Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa) và A Nan Đà (Ananda) được đặt ngay trên bàn thờ chính điện bên cạnh tượng Phật Thích Ca. Việc hai vị Tổ truyền đăng này được đặt trên thượng điện có thể do hai ông là hai đại đệ tử thân cận của đức Thích Ca.

Tượng Tổ Ma Ha Ca Diếp, cao 1,8m, pho tượng đậm chất chân dung, miêu tả cả dung mạo và tính cách, đứng bên trái tượng Tuyết Sơn, là một người tuổi cao lớn, ăn mặc nghiêm chỉnh, ánh mắt tinh tường, bộ râu hóm hỉnh. Sống trong một gia đình Bà La Môn, ông quyết xả bỏ dòng dõi để tu theo Phật và trở thành người cao đạo.

Một hôm đức Phật Thích ca mâu ni thăng hoa thuyết pháp ở núi Linh Thứu (tiểu bang Bihar, miền Đông Bắc Ấn Độ), chỉ cầm cành hoa thị chúng, đại chúng vô cùng kinh ngạc nhưng chỉ một mình Ca Diếp tâm lãnh thần hội, nét mặt tươi cười. Từ đó Ca Diếp được tâm pháp của Phật, được phong tôn là sơ tổ Thiền tông Ấn Độ. Sau khi Ðức Phật nhập diệt, ngài gõ chuông tập hợp chúng tăng kết tập ba tạng kinh điển tiểu thừa. Khi A Nan chứng quả A La Hán, ngài truyền cho y bát.

Tượng Tổ A Nan Đà Ananda (gọi tắt A Nan), cao 1,78m, có nghĩa vui mừng, hoan hỷ, khánh hỷ. Ngài là em thúc bá của đức Phật sinh vào đêm Phật thành đạo, 25 tuổi xuất gia và theo hầu đức Phật suốt 25 năm liền. Trong quá trình theo Đức Phật, Ngài được thụ trì tất cả Phật pháp. Bởi vậy Tổ A Nan Đà là người hiểu biết nhiều và sau nầy đọc lại tất cả các kinh Phật. Ngài có mặt bên Phật đến lúc cuối, được Phật truyền cho những giáo điều sau cùng và cách giữ gìn đạo lý. A Nan được tạc ở thế đứng với hình dáng chung nuột nà, trẻ trung, đang ôm sách kết tập kinh tạng, ánh mắt và khóe miệng tươi cười vui vẻ. Dáng tượng đứng thẳng, những nếp áo uốn quanh càng làm tượng vươn lên trong khối chung óng mượt. Tỷ lệ các phần của tượng cân đối, cả hình dáng và nội tâm đều sáng láng.

Sau khi đức Phật nhập diệt, Ca Diếp tổ chức kết tập kinh tạng. A Nan phiền não chưa hết nên chưa chứng được quả La Hán. Ca Diếp bèn dắt A Nan ra ngoài Hội nghị để ngồi thiền. Ðến cuối đêm mệt mỏi A Nan định nằm nghỉ, nhưng đầu chưa chạm gối thì bỗng nhiên giác ngộ thành Đại A La Hán. Ngay khi ấy, ngài xin vào Hội nghị tham gia, sau nầy soạn tiên kinh văn. Lúc Ca Diếp nhập tịch, A Nan được truyền làm Tổ nối nghiệp. Đến khi mệnh yểu nhược, ngài vắt chân ngồi yên trên dòng sông Hằng và thong dong vào cõi Niết bàn.

16 vị La Hán nơi chùa Thượng

16 vị Tổ đăng này được sắp xếp ngồi trên bệ dọc tường tại khu vực chùa Thượng. Các vị này được khắc dựa trên các bản vẽ trong sách Thiền Uyển Kế Đăng Lục soạn thảo thời Lê. Sự khác biệt giữa 16 vị Tổ sư này và 2 vị La Hán đầu tiên chính là nếu hai vị Tổ Ma Ca Ha Diếp và A Nan ở chùa nào cũng có thì 16 vị Tổ - La Hán đủ bộ còn lại chỉ xuất hiện trong một số chùa. Và không một chùa nào có bộ Tổ - La Hán tuyệt vời như ở chùa Tây Phương.

Đứng đầu trong số đó là tượng Tổ Thương Na Hòa Tu (Sanakavasa) cao 1,5m ngồi chân trái thỏng, chân mặt vắt ngang, tay mặt trên đùi mặt, tay kia thu trong bọc, áo nhiều nếp che bụng, để hở bộ ngực gầy xương. Dáng tư lự, mặt đăm chiêu, đôi mắt xụp, môi bĩu nhẹ, Ngài có vẻ lo toan, suy tư, khắc khổ, sống nhiều bằng nội tâm. Tượng Tổ Ưu Ba Cúc Đa (Upagupta) cao 0,92m ngồi trên gót chân trái quỳ gập, chân mặt gấp lên đỡ bàn tay cầm một vật đã bị mất. Tay trái của Ngài cầm thẻ tre, mặc áo dài xỏa trùm xuống đất. Ðầu lớn, trán rộng, má đầy, tai dài, hàng ria mép, lông mày rậm, cánh mũi nở, râu quai nón, miệng chớm nở như Ngài đang thuyết pháp giáo lý uyên thâm.

Tượng Tổ Đề Đa Ca (Dhritaka) cao 0,96m ngồi xếp bằng, hai tay chấp lại, áo dài phủ toàn người kể cả tay, chỉ để lộ phần trên ngực. Khuôn mặt đăm chiêu, tai dài, gò má nổi trội, cặp mắt lim dim, Ngài có dáng suy tư, nghĩ ngợi. Tượng Tổ Di Giá Ca (Michakha) cao 1,65m, đứng thẳng trong thế chững chạc, áo dài nghiêm túc chỉ để lộ ra phần trên ngực, tay mặt thu trong bọc, tay trái bấm đốt lần tính. Mắt lim dim, miệng hấp háy. Ngài có vẻ bàng hoàng, ngơ ngác. Ngài đứng một mình trông như đang nói chuyện. Ngài đứng trước một tiểu đồng dâng rượu.

Tượng Tổ Bà Tu Mật (Vasumatra) cao 1,65m là hình dáng một người cao tuổi, đứng thẳng, mắt lim dim, đầu buộc dây, tóc mọc dài, cổ tay đeo vòng, ngữa mặt lên trời. Ngài há miệng như đang đọc kệ hay thuyết trình, hai tay chấp lại trong tư thế một người cầu khấn.

Tượng Tổ Phật Đà Nan Đề (Boudhanandi) cao 0,9 m ngồi chân mặt xếp bằng, chân trái chống nghiêng, tay trái đặt trên đùi, tay mặt cong lên như để ngoáy tai. Người béo tốt, hai tai dài, cổ nhiều ngấn, tay đeo vòng, miệng cười hoan hỉ. Ngài mặc áo phanh ra hở cả ngực và bụng với lỗ rún, quần xuê xoa buông thỏng. Tượng Tổ Phục Đà Mật Đa (Boudhamitra) cao 1,05m, ngồi hai chân buông thỏng, mình hơi nghiêng về bên trái, mặc áo nhiều nếp nhăn, hở ngực, khuôn mặt đầy đặn, tai dài, sung sướng, hân hoan. Ngài cong tay mặt lên miệng hé, mắt nhìn xuống tay trái cầm cuốn sách cuộn tròn.

Tượng Tổ Hiệp tôn giả (Parsva), áo dài phủ tận chân, để hở phần trên ngực, hai tay chéo nhau đằng trước, tay mặt cầm quạt. Mặt Ngài bóng bẩy, hóm hỉnh, hình vuông, đầu tròn. Ngài có tiếng là luôn tu hành, người đã thuyết pháp dưới gốc cây chú bé sau nầy trở thành Tổ thứ 8, không có tượng. Tượng Tổ Mã Minh (Asvagosha), cao 0,75m ngồi cạnh con rồng, chân phải thả lỏng, chân trái co lên, áo dài phủ lên hai đùi. Quần bọc chân chỉ chừa hai bàn, ngực và bụng để hở. Ðầu tròn, tai chạm vai, mặt tươi cười, miệng há rộng, tay trái gấp ngang bụng, ngón tay chỉ con rồng, Ngài có vẻ tự tin, điềm tĩnh, chan hòa với mọi người.

Tượng Tổ Ca Tỳ Ma La (Capimala) cao 1,63m có mãng xà uốn quanh, đứng vững vàng, mặt nhìn lên, ngực để hở. Gò má cao, mắt mở to, miếng bím môi. Ở ngài toát ra một bản lĩnh hiên ngang chinh phục được ngay cả đối thủ cao cường. Tượng Tổ Long Thụ Nagarjuna, cao 0,88m ngồi xếp bằng trên tòa sen, dáng nhà hiền triết uyên bác. Cuộc đời tu hành của Ngài từng trải khắc khổ nhưng xem nhẹ đời thường. Chiếc áo dài của Ngài phủ tận chân, ngực để hở để lộ hai hàng xương. Trước mặt là một con rồng đội kệ sách kinh Hoa Nghiêm quay đầu nhìn Ngài.

Tượng Tổ La Hầu La Đà (Rahulata) cao 1,22m ngồi thẳng người, hai chân thả lỏng, ngực để hở. Đôi bàn tay mặt xòe ra trên đầu gối mặt để lộ móng tay dài của người trưởng giả. Tay trái dang lên ngang ngực áp vào tích trượng dựa lên vai. Một con hươu ngồi cạnh, quay cổ và hướng đầu về Tổ như chờ đợi vỗ về. Tượng Tổ Tăng Già Nan Đề (Samghanandi) cao 0,81m, ngồi tì cằm lên hai bàn tay úp đè nhau trên đầu gối chân trái, áo bào choàng từ cổ xuống đất, để lộ khối chân mặt gấp nằm ngang và khối chân trái dựng đứng.

Trong một tư thế sống động. Tượng Tổ Già Da Xá Đa (Samghayacas) cao 1,7m, đang bước đi trong gió thổi bay các tà áo, hai ống tay bay phất phơ, tay mặt co lên ngang ngực. Gò má đầy, miệng hé mờ, đôi mắt mở to. Ngài cầm gương bên tay trái để soi lại chính mình từ tuổi thơ đến khi đắc đạo. Tượng Tổ Cưu Ma La Đa (Kumarata) cao 0,88m, ngồi thoải mái, chân mặt gấp đứng, chân trái gấp ngang, tay mặt đặt trên đùi chân mặt, tay trái cầm cành hoa (tích trượng trong sách), áo choàng để hở ngực và bụng. Gương mặt bầu bĩnh, hai tai rất dài, miệng cười thỏa mãn.

Tượng Tổ Xà Dạ Đa (Jayata) cao 0,92m, người gầy yếu, ngồi cúi gấp người, chân chống chân gấp trên tấm thảm tròn. Tay trái của Ngài đặt trên đầu gối chân trái, tay mặt dang cao cầm que gãi lưng, áo phủ tận chân để hở xương ngực và nếp nhăn bụng mướp. Gò má cao dưới hóm sâu đôi mắt, trên cái miệng chụm lại, dưới các nếp nhăn trên trán. Ngài bị ngứa lưng nhưng tỏ ra nội lực mạnh.

Theo quan niệm Thiền tông các vị La Hán đã đạt được Tam minh - Thánh trí siêu việt của Đức Phật và các vị đã chứng được Thánh quả A La Hán; Lục thông - Sáu phép thần thông của chư Phật, và các vị A-lahán và Bát giải thoát - Dựa vào tám loại sức định mà diệt bỏ lòng tham muốn đối với sắc và không sắc. Vâng thừa giáo chỉ của Phật, các vị La Hán kéo dài thọ mạng, trụ tại thế gian để hộ trì chánh pháp và làm lợi lạc chúng sinh.

Thập bát La Hán tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian. Tranh tượng La Hán trình bày những nét sống động của các bậc Thánh hết sức hồn nhiên phụng hiến năng lực của mình. Thời kỳ chạm trổ các tượng Tổ, không có người ngồi mẫu nhưng chất người của nhân vật đã tạo thành hình ấn tượng trong mắt người xem. Những tác phẩm đặc sắc phẩm trong các chùa là sự khẳng định tài năng của những nghệ nhân Việt Nam dù cho thế kỷ XVIII ít có điểu kiện cho điêu khắc Việt Nam phát triển.

Vũ Lành - Thành Trung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-lo/chiem-bai-thap-bat-la-han-chua-tay-phuong-501313.html