Di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm (Từ Lương Xâm) là 1 trong 22 di tích quốc gia, thành phố trên địa bàn quận Hải An (Hải Phòng) thờ Đức Vương Ngô Quyền.
Từ Lương Xâm nằm ở phía Đông Bắc của phường Nam Hải. Nơi đây từng là đại bản doanh đóng quân và tích trữ lương thực của Ngô Quyền trong trận đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Sau khi Đức Ngô Vương Quyền mất, dân làng Lương Xâm đã dựng đền thờ ông để tỏ lòng kính trọng và tôn vinh vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng Lương Xâm, thuở ban đầu, di tích chỉ là một ngôi miếu nhỏ, Nhân dân quen gọi là miếu Dầm. Vào thời Hậu Lê được xây dựng nguy nga và được trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Vì vậy phần lớn kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, chỉ còn một số ít mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Cụm di tích Từ Lương Xâm tọa lạc trên một thế đất đẹp, cao ráo, không gian rộng thoáng với kiến trúc được bố trí, sắp xếp đăng đối theo lối truyền thống chuẩn mực. Phía trước có một sân rộng là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội, bên cạnh là hồ nước rộng tạo nên thế phong thủy hài hòa.
Tổng thể công trình có bố cục “Nội công ngoại quốc” liên hoàn khép kín gồm: Nghi môn, Tiền tế, Thiêu hương, Giải vũ, Từ chính, tượng đài và các công trình phụ trợ.
Từ ngoài cổng đi vào là 2 giếng nhỏ ở 2 bên, được gọi là “giếng mắt rồng” có nước ngọt quanh năm. Tương truyền khi Ngô Quyền đóng quân ở đây đã sai quân lính đào hai giếng này để lấy nước sinh hoạt.
Điều đặc biệt truyền thuyết dân gian kể lại rằng: Ngô Quyền cắm cọc từ vùng Lương Xâm đến vùng cửa Nam Triệu. Sau khi Ngài qua đời, một hôm có cây gỗ trầm hương trôi đến xã Lương Xâm, Nhân dân các làng Bình Kiều, Hạ Đoạn, Lương Xâm, Xâm Bồ kéo nhau ra vớt cây gỗ và cắt ra làm 3 đoạn đem về tạc tượng Ngô Quyền, làng Lương Xâm được chia đoạn gốc nên tạc tượng Ngô Quyền to và đẹp hơn.
Tượng ngài Đức Vương Ngô Quyền được đặt trong khám thờ trong cung cấm của đền, bên ngoài là các họa tiết, hoa văn chạm khắc, sơn son thiếp vàng bởi các nghê nhân giỏi đương thời.
Điều đặc biệt nữa là trong tòa Giải vũ của di tích hiện lưu giữ 3 chiếc cọc được cho là chứng tích của trận Bạch Đằng lịch sử năm 938. Tòa Giải vũ bên trái lại đặt một chiếc thuyền rồng lớn làm bằng gỗ tốt, đây là hiện vật biểu tượng cho chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938.
Theo thông lệ hàng năm, Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm được tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng, thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách đến tham quan, chiêm bái.
Đề tài tứ linh được các nghệ nhân xưa thực hiện với kỹ thuật chạm nổi kết hợp chạm kênh bong rất đặc sắc và mang tính nghệ thuật cao trong các kiến trúc mái đền và các cung, khám thờ. Các con vật trong bố cục tứ linh đều mang những dáng vẻ ngộ nghĩnh, vui tươi khác nhau nhưng tựu trung lại, đều thể hiện được những điều đẹp đẽ nhất, tinh mỹ nhất, tài hoa nhất của các nghệ nhân đương thời.
Phía sau hai bên hậu cung Từ Lương Xâm có 2 chiếc giếng cổ, được gọi là giếng mắt rồng.
Phía sau Từ Lương Xâm là 2 khu nhà thờ tổ nghiệp vương triều và đền thờ Mẫu.
Xung quanh di tích được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ có niên đại từ 300-500 năm tuổi tạo bóng mát và tạo nên sự linh thiêng, cổ kính cho cho ngôi đền.
Phía bên trái khuôn viên mở rộng của Từ Lương Xâm là tượng đài Đức Vương Ngô Quyền được dựng vào năm 2010. Tượng Đức Vương Ngô Quyền với thần thái thể hiện nét cương trực, mạnh mẽ, quyết đoán của một nhà cầm quân tài ba, người anh hùng dân tộc đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938.
Ngày 17/1/2025, Thủ tướng ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938. Trước đó, ngày 11/2/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các đơn vị chức năng đang hoàn thiện công tác chuẩn bị để tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Cụm di tích Từ Lương Xâm - Căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938 và Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm năm 2025, kỷ niệm 1087 năm chiến thắng Bạch Đằng, 1081 năm ngày mất của Đức Vương Ngô Quyền, từ 12/2 -15/2 (tức 15 - 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ).