Chiến dịch Tây Nguyên - Mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

Một trong những nguyên nhân thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là việc lựa chọn địa bàn tiến công chiến lược và phương pháp tổ chức tác chiến trong Chiến dịch Tây Nguyên. Bởi lẽ, chỉ có thắng lợi trong chiến dịch 'mở màn' mới có những thắng lợi tiếp theo trong kế hoạch tổng thể giải phóng miền Nam. Nghiên cứu vấn đề này nhằm làm sáng tỏ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời và sáng tạo của Trung ương Đảng mà hạt nhân là Bộ Chính trị cùng Quân ủy Trung ương trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Bộ đội ta đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên - Mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Ảnh tư liệu

Bộ đội ta đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên - Mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Ảnh tư liệu

Xây dựng và hoàn thiện kế hoạch giải phóng miền Nam

Cách mạng miền Nam sau ngày ký kết Hiệp định Pari (27/1/1973) diễn biến có lợi cho ta nhưng vẫn hiện hữu nhiều khó khăn. Mỹ rút quân về nước song vẫn để lại hơn 2 vạn cố vấn quân sự ở miền Nam chỉ đạo quân đội Sài Gòn không ngừng lấn chiếm vùng giải phóng, tràn ngập lãnh thổ tiếp tục thực hiện mưu đồ "Việt Nam hóa chiến tranh".

Tình hình thực tiễn của chiến trường đã nhắc chúng ta những bài học xương máu từ sau ngày kí kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Vấn đề mấu chốt của việc tận dụng thời cơ thuận lợi để tiến công địch được Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Đảng (tháng 10-1973) nhấn mạnh: “Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kỳ trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên". (1)

Triển khai Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam. Kế hoạch này được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện qua nhiều lần góp ý từ các hội nghị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Tại hội nghị Bộ Chính trị (từ 30/9 đến 8/10/1974), Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu đã báo cáo kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam. Hội nghị đã nhất trí đánh giá: “Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam… Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo”. (2)

Tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam đang thay đổi mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho ta. Quân ngụy lún sâu vào khủng hoảng, suy yếu về mọi mặt. Do phải đối mặt với nhiều khó khăn, Mỹ buộc phải giảm viện trợ và khó có khả năng trở lại miền Nam Việt Nam. Bộ Chính trị nhận định: "Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì khó có khả năng nhảy vào lại miền Nam và dù chúng can thiệp thế nào chăng nữa thì cũng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. (3)

Nhận định này càng được củng cố khi thảo luận chi tiết kế hoạch giải phóng miền Nam tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ 18/1/1974 đến 8/1/1975. Trong khi hội nghị đang diễn ra, ta nhận được tin thắng lợi của Chiến dịch Đường 14, giải phóng thị xã và toàn tỉnh Phước Long với hơn 50 ngàn dân. Chiến thắng Phước Long chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của chủ lực ta, lực lượng địch bị suy yếu rõ rệt. Khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kêu gọi Mỹ tăng cường viện trợ, phát ngôn viên Nhà trắng tuyên bố lạnh lùng: “Tổng thống Pho không có ý vi phạm những điều cấm chỉ về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam” (4). Tổng thống Giêrôn Pho cũng khẳng định: “Sẽ không can thiệp vào Nam Việt Nam nếu xét ra không phù hợp với hiến pháp và pháp luật(5). Phản ứng yếu ớt trên đây cho thấy, Mỹ không có khả năng can thiệp trở lại cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam.

Phân tích tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là những diễn biến của chiến trường, Bộ Chính trị khẳng định: “Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự, chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc" (6). Kế hoạch giải phóng miền Nam dự kiến trong vòng 2 năm. Cụ thể, năm 1975 tranh thủ thời cơ tấn công rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tuy nhiên, kế hoạch có thể tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện tùy vào thực tiễn của chiến trường, kể cả khả năng giải phóng miền Nam trong năm 1975 nếu thời cơ đến. Kết luận đợt 2 Hội nghị Bộ Chính trị (7/1/1975) chỉ rõ: “Trong quá trình thực hiện, chúng ta tùy theo diễn biến của các trận chiến đấu trên chiến trường mà chỉ đạo, chỉ huy, đánh mạnh nhất, bất ngờ nhất, nhằm tiến tới đích nhanh nhất, thắng gọn nhất và triệt để nhất ở Sài Gòn. Kế hoạch tiếp theo cho năm 1976 sẽ do kết quả thực hiện kế hoạch năm 1975 quyết định. Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975”. (7)

Chọn hướng tiến công, chỉ đạo tác chiến chiến lược

Việc chọn hướng chiến lược trong năm 1975 được Bộ Chính trị thảo luận kỹ lưỡng, cẩn trọng. Trên cơ sở phân tích lực lượng địch và cách bố trí theo thế "mạnh ở hai đầu", Bộ Chính trị nhận định, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng bởi lẽ, lực lượng địch ở đây chỉ có 2 sư đoàn vừa phải chiếm giữ Tây Nguyên vừa phải bảo vệ vùng đồng bằng duyên hải miền Trung nên lực lượng bị dàn mỏng. Mặt khác, địa hình Tây Nguyên có độ cao không đáng kể, thuận lợi cho ta cơ động lực lượng, vận chuyển lương thực vũ khí, khí tài.

Mặc dù vậy, Bộ Chính trị nhận thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đầy đủ thông tin trước khi đi tới kết luận chính thức. Từ đầu năm 1974, Bộ Chính trị thường xuyên trực tiếp nghe báo cáo của các đồng chí chỉ huy trên chiến trường. Từ những căn cứ trên, Tây Nguyên được chọn là hướng tiến công chiến lược mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Bộ Chỉ huy mặt trận Tây Nguyên được thành lập, công tác hậu cần và kế hoạch tác chiến được chuẩn bị chu đáo. Ta triệt để khai thác những sai lầm của địch trong đánh giá tình hình để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch tác chiến. Nguồn tin tình báo của ta cho biết, trong cuộc họp chỉ huy từ ngày 9 đến 10/12/1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận định rằng, năm 1975 ta có thể đánh lớn hơn 1974 nhưng không bằng năm 1968 và 1972; ta chưa có khả năng đánh vào các thành phố, thị xã; hướng tấn công chủ yếu là Tây Ninh nhằm lấy nơi đây làm thủ đô của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngay cả khi ta giải phóng tỉnh Phước Long, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Sơletxinhgiơ trả lời họp báo ngày 14/1/1975 vẫn khẳng định rằng: “Bây giờ tình hình ở Nam Việt Nam cho thấy Bắc Việt Nam không muốn tung ra một cuộc tiến công rộng khắp, quy mô… Do đó điều mà chúng tôi tiên đoán vài tháng tới chỉ là một số trận đánh lớn. Lúc này, tôi không tiên liệu sẽ có cuộc tiến công quy mô lớn như hồi năm 1972”. (8)

Sau này Đại tá Vũ Thế Quang, Sư đoàn phó ngụy bị ta bắt khi Buôn Ma Thuột thất thủ, cũng không thể tin nổi tại sao ta lại có thể đưa xe tăng, pháo hạng nặng vượt dòng sông Serêpôk hung dữ để tiến đánh thị xã Buôn Mê Thuột từ phía Tây: "Việc các ông đánh chiếm Buôn Ma Thuột nằm ngoài dự kiến của Bộ Tổng tham mưu chúng tôi và cả của người Mỹ nữa. Sau trận Phước Long, chúng tôi nhận định trong thời gian tới, các ông có thể đánh một số thị xã nhỏ như An Lộc, Gia Nghĩa, còn thị xã lớn như Buôn Ma Thuột, Plâycu, Tây Ninh chưa đánh được". (9)

Nghiên cứu lực lượng và cách bố phòng của địch ở Tây Nguyên, ta quyết định đánh lạc hướng tấn công lên Plâycu và Kon Tum để tập trung lực lượng đánh Buôn Ma Thuột. Sở dĩ chúng ta quyết định đánh Buôn Ma Thuột vì đây là vị trí chiến lược quan trọng nhưng lực lượng địch ở đây bố trí mỏng hơn Plâycu và Kon Tum. Buôn Ma Thuột là thủ phủ của Tây Nguyên, ngã tư đường 14 và đường 21 có thể cơ động thuận lợi các hướng.

Địa hình nơi đây khá bằng phẳng, độ cao trung bình 500-600m so với mực nước biển, xung quanh được bao bọc bởi rừng cà phê, cao su có nhiều đường lâm nghiệp thuận lợi cho cơ động và hiệp đồng binh chủng. Điểm yếu phía Tây bị chia cắt bởi sông Serêpôk nhưng cũng chính là nơi địch sơ hở để ta vận chuyển vũ khí, khí tài đặc biệt cơ động xe tăng, pháo cơ giới và các thiết bị hậu cần chiến đấu.

Nếu làm chủ Buôn Ma Thuột, ta sẽ phá vỡ thế phòng thủ chiến lược của địch ở Tây Nguyên, làm thay đổi cục diện chiến trường theo hướng hoàn toàn có lợi cho ta. Mặt khác do phán đoán sai hướng tiến công chiến lược của ta nên lực lượng địch ở đây bố phòng không mạnh và có nhiều sơ hở. Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy cho rằng, ta sẽ đánh Plâycu vì đây là địa đầu quan trọng của Tây Nguyên, nơi chỉ huy sở quân đoàn II đóng giữ, là bàn đạp để tấn công Bình Định lại gần căn cứ tiếp tế của ta ở Liên khu V. Nếu mất Plâycu, Buôn Ma Thuột cũng mất.

Từ nhận định đúng đắn, sự chỉ đạo kịp thời, chủ động và sáng tạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cuộc tấn công đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột của ta đã giành thắng lợi nhanh chóng trong vòng 32 giờ. Cuộc tập kích tái chiếm của quân ngụy Sài Gòn sau đó bị đánh tan. Chủ lực ta nắm vững thế chủ động tiến công, truy kích, giáng đòn quyết định, làm tan rã lực lượng quân đoàn 2 ngụy, giải phóng Tây Nguyên với 60 vạn dân. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên đã mở ra bước ngoặt từ thế tiến công chiến lược sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

(1) Văn kiện Đảng, Toàn tập, T34, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2024, tr 661

(2), (7) Văn kiện Đảng, Toàn tập, T35, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2024, tr 179;196.

(3), (9) Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa xuân, Nxb Quân đội nhân dân, HN,1977, Tr 28; 88.

(4), (5), (6), (8) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000, tr 164; 166; 169; 165-166.

PGS.TS Đỗ Hồng Thái (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202503/chien-dich-tay-nguyen-mo-dau-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-xuan-1975-eea1089/