Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch 4362/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu chung là phát triển ngành nghề nông thôn bền vững, khai thác phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Mục tiêu chung của phát triển ngành nghề nông thôn là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho người dân.

Mục tiêu chung của phát triển ngành nghề nông thôn là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho người dân.

Mục tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn tăng 6,0 - 7,0%/năm; thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng trên 2,5 lần so với năm 2020.

Thu hút thêm khoảng 5 nghìn lao động thường xuyên trong các hoạt động ngành nghề nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn từ 80% trở lên, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt từ 35% trở lên.

Quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng 70% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong các làng nghề, khu sản xuất tập trung đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Tầm nhìn đến năm 2045: Ngành nghề nông thôn là hoạt động trọng tâm mang lại thu nhập ổn định và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, tích hợp đa giá trị, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của các địa phương.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhiều hộ nông dân ở xã Xuân Viên, huyện Yên Lập đạt doanh thu gần 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhiều hộ nông dân ở xã Xuân Viên, huyện Yên Lập đạt doanh thu gần 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Để đạt được những mục tiêu trên, kế hoạch cũng chỉ rõ một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới là: Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; bảo tồn và phát triển làng nghề; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề; xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung; chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn... Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, huyện thành thị tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch đảm bảo hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra.

Toàn tỉnh hiện có trên 17 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, làng nghề nông thôn, trong đó có 6.093 cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Các cơ sở giải quyết việc làm cho trên 36 nghìn lao động, thu nhập bình quân của lao động đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 18% so với năm 2020. Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt trên 8,7 nghìn tỷ đồng, trong đó tiêu biểu nhóm ngành nghề có doanh thu cao là nhóm ngành nghề dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn đạt 4,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,6%), nhóm chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản có doanh thu từ hoạt động ngành nghề nông thôn đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 28,7%).

Kết quả sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống khu vực nông thôn; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/chien-luoc-phat-trien-nganh-nghe-nong-thon-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045/201792.htm