Chiến lược 'trồng người' vĩ đại

Hơn 70 năm trôi qua, nhưng với những học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, ký ức về những năm tháng tập kết, học tập trên đất Bắc vẫn còn nguyên vẹn.

Trường học sinh miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Trường học sinh miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Trong suốt thời gian từ năm 1954 đến 1975, theo sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ, hơn 32.000 học sinh miền Nam đã được đưa ra Bắc học tập, sau này trở thành những người con ưu tú của đất nước.

Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng với những học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, ký ức về những năm tháng tập kết, học tập trên đất Bắc vẫn còn nguyên vẹn.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp và các bên có liên quan buộc phải ký kết Hiệp định Giơnevơ đình chiến ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời để tiến hành việc tập kết lực lượng của hai bên.

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tạm thời đặt dưới sự quản lý của đối phương và quy định thời hạn tổ chức Tổng tuyển cử. Thời điểm đó, Trung ương Đảng và Bác Hồ nhận định cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn lâu dài, gian khổ.

Quyết định chuẩn bị nguồn nhân lực năm 1954 được đánh giá thành công trên cả ba phương diện: Đào tạo con người, mô hình giáo dục và chiến lược lâu dài. Đặc biệt, mô hình trường HSMN trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng, đào tạo lớp chủ nhân tương lai “vừa hồng, vừa chuyên” gắn bó với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. 70 năm trôi qua, mô hình giáo dục đặc biệt ngày ấy để lại những bài học vô giá của không riêng ngành Giáo dục. Đó còn là chiến lược “trồng người” vĩ đại nhất lịch sử dân tộc Việt Nam.

Vì thế đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa con em, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để học tập, đào tạo trở thành lực lượng cán bộ kế thừa cho sự nghiệp cách mạng lâu dài.

Ngày 18/1/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng họp bàn về công tác giáo dục và đưa ra chủ trương thành lập trường nội trú dành riêng cho học sinh miền Nam.

Từ chủ trương ấy, hệ thống Trường học sinh miền Nam (Trường HSMN) lần lượt được thành lập (28 trường) ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh…, dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục, sự phối hợp của nhiều bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Hệ thống Trường HSMN gồm 3 cấp học, trong đó, có trường dành riêng cho con em các dân tộc thiểu số. Ngành Giáo dục thời ấy cũng đã tuyển chọn 5.000 thầy, cô giáo tâm huyết, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm để thực hiện việc nuôi, dạy, đào tạo học sinh miền Nam. “Trồng người” cho miền Nam trở thành nhiệm vụ thiêng liêng nhất.

Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, cuộc dịch chuyển quy mô lớn nhất trong lịch sử những “hạt giống đỏ” của đất nước đã diễn ra đúng kế hoạch. Trong giai đoạn 1954 - 1975, hệ thống Trường HSMN trên đất Bắc đã nuôi dưỡng và đào tạo hơn 32.000 học sinh.

Những cán bộ, chiến sĩ, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng cùng nhân dân các tỉnh phía Bắc đón nhận, cưu mang, tạo điều kiện ổn định cuộc sống, học tập, lao động và tham gia chiến đấu.

Lực lượng này không chỉ góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc mà còn đóng góp to lớn trong kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong số họ, nhiều người đã trưởng thành và trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, nhà khoa học đầu ngành, văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà báo, doanh nhân xuất sắc. Họ không chỉ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn làm rạng danh quê hương, đất nước.

Ký ức “ngày Bắc, đêm Nam”

 Ông Nguyễn Thành Hiệp tại lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc. Ảnh: Quách Mến

Ông Nguyễn Thành Hiệp tại lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc. Ảnh: Quách Mến

Theo Hiệp định Geneve, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 3 khu vực: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân - Xuyên Mộc (Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu); Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp) và khu tập kết 200 ngày ở Chắc Băng - Sông Đốc (Cà Mau).

Dù đã hơn 85 tuổi, ông Nguyễn Thành Hiệp (ngụ Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn còn khá minh mẫn. Nhắc đến ký ức những ngày tập kết, học tập trên đất Bắc, ánh mắt ông ngời sáng lên. Ông Hiệp kể, lúc nhỏ may mắn được học Trường Thiếu sinh quân. Năm 13 tuổi làm liên lạc, sau đó được chọn đi học ở miền Bắc.

“Tôi lên tàu đi tập kết ở bến Sông Đốc (Cà Mau) đến Sầm Sơn (Thanh Hóa). Lúc đi khung cảnh bến tập kết rất cảm động, cha mẹ tiễn con, vợ chồng tiễn nhau ai cũng lưu luyến, khóc nghẹn, không nỡ xa rời. Nhưng cuối cùng người đi vẫn đi, người ở vẫn phải ở.

Tất cả đều gạt tình riêng, hy sinh vì trách nhiệm chung với non sông và hy vọng một ngày Bắc - Nam được sum họp một nhà. Chuyến tàu của tôi đi đến 7 ngày đêm do gặp bão, nhưng cũng may được cập bến an toàn”, ông Hiệp nhớ lại.

 Nhà giáo Đàm Thị Ngọc Thơ kể chuyện tập kết ra Bắc. Ảnh: Quách Mến

Nhà giáo Đàm Thị Ngọc Thơ kể chuyện tập kết ra Bắc. Ảnh: Quách Mến

Bà Trần Thúy Dư (quê gốc Hà Nam) kể, nhờ sự kiện tập kết ra Bắc mà bà và ông Hiệp gặp nhau, nên duyên vợ chồng trên đất Bắc. “Cuộc sống ngoài Bắc thời đó khó khăn lắm nhưng đồng bào miền Bắc luôn đùm bọc, chở che cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam, con gà đang ấp mà lấy quả trứng cho bộ đội, học sinh miền Nam ăn.

Hằng ngày, nhiều gia đình ăn bắp, ăn khoai nhưng vẫn để dành gạo, bỏ vào hũ gạo miền Nam. Tình cảm người dân miền Bắc dành cho đồng bào miền Nam phải nói không gì tả nổi”, bà̀ Dư nói.

Sau khi tốt nghiệp, vợ chồng ông Hiệp làm công tác giảng dạy tại nhiều ngôi trường trên đất Bắc. Đất nước thống nhất, hai vợ chồng cùng vào Nam tiếp tục sự nghiệp “trồng người” và làm công tác quản lý giáo dục cho đến ngày nghỉ hưu.

Cùng đi trên chuyến tàu tập kết ra Bắc với ông Nguyễn Thành Hiệp có Nhà giáo Ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ (86 tuổi), nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau). Bà Thơ lên tàu tập kết năm 13 tuổi với mong muốn được tiếp tục học, cống hiến cho quê hương đất nước.

Theo chia sẻ của bà, ngày ấy học sinh miền Nam có câu cửa miệng “ngày Bắc đêm Nam” ngụ ý ban ngày vẫn học tập, vui chơi, sinh hoạt, đêm về khóc ướt gối vì nhớ ba mẹ, thương quê hương, xóm làng trong Nam bị giặc giày xéo. “Đối với tôi những năm tháng học tập ở miền Bắc là tháng ngày không quên, bản thân tôi nói riêng và học sinh miền Nam nói chung nợ nhân dân miền Bắc một ân tình.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đời sống người dân miền Bắc rất khó khăn, nhiều hộ bị thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng học sinh miền Nam trong thời gian ở các khu tập trung, học tập tại các Trường HSMN luôn được ưu tiên chăm lo đầy đủ về vật chất, lẫn tinh thần để đủ sức học tập, không ai bị đói, bị rét dù chỉ một vài giờ”, bà Thơ nghẹn giọng kể.

Nhớ về những ngày tập kết ra Bắc, ông Đinh Văn Khum (84 tuổi, nguyên Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Tháp) kể lại khoảnh khắc tàu đến cửa biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào thời điểm chỉ còn hai ngày nữa là đến 30 Tết.

“Ban Tiếp đón Trung ương ở Sầm Sơn đón tiếp chúng tôi lên bờ rất nhiệt tình, chu đáo như người thân ruột thịt đi lâu ngày mới về. Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và nhân dân miền Bắc, học sinh miền Nam cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà, ai cũng đều ra sức học tập tốt, để có thể cống hiến cho quê hương, đất nước”, ông Khum chia sẻ.

 Con tàu trong cụm công trình tượng đài kỷ niệm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau. Ảnh: Quách Mến

Con tàu trong cụm công trình tượng đài kỷ niệm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau. Ảnh: Quách Mến

Cuộc hội ngộ sau 70 năm

Trong tháng 11/2024, tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều hoạt động Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024) như: Khánh thành bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam; ra quân tái hiện sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc; hội thảo “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử”.

Đặc biệt tỉnh Cà Mau đã tổ chức khánh thành và công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với cụm công trình tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc tại bến Sông Đốc, gắn với việc tổ chức chương trình lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc với chủ đề “tình sâu nghĩa nặng” được cầu truyền hình trực tiếp với sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Ông Phạm Thành Ngại - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Công trình tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc được xây dựng dựa trên nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Đồng thời Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau mong muốn xây dựng công trình nhằm lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. “Đây không chỉ là công trình ghi nhớ công lao, tri ân đối với các bậc tiền nhân đi trước mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mà nơi đây còn là địa điểm để tham quan, học tập, sinh hoạt cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh và du khách”, ông Ngại nói.

 Một tiết mục văn nghệ tái hiện về Trường học sinh miền Nam. Ảnh: Quách Mến

Một tiết mục văn nghệ tái hiện về Trường học sinh miền Nam. Ảnh: Quách Mến

Dự lễ khánh thành công trình và kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, nhiều cựu học sinh tại miền Nam đã từng tham gia cuộc “dịch chuyển” tri thức mang tính thời đại không khỏi xúc động. Tại nơi đây, họ được quay trở lại con tàu năm xưa đã đưa họ đến với miền Bắc thân thương.

“Nhiều người đi cùng chuyến tàu tập kết ra Bắc, học chung khóa với tôi giờ ít người còn sống, những người còn lại giờ cũng đã ngoài 80, được gặp lại nhau chúng tôi rất mừng. Xúc động hơn khi hôm nay tôi được quay lại bến Sông Đốc, được bước lên tàu mô phỏng theo con tàu tập kết ra Bắc năm xưa. Lúc đi tôi cũng không để ý hình thù của con tàu.

Bởi lúc đó còn nhỏ, hễ lên tàu cứ khóc vì xa quê hương, người thân. Bây giờ, nhờ có công trình này mình mới hình dung được còn tàu lúc đó. Bến Sông Đốc ngày xưa hoang sơ, giờ phát triển như thế này, trở thành thị trấn biển sầm uất bật nhất Đồng bằng sông Cửu Long tôi thấy rất mừng”, ông Trần Hòa Bình, cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc chia sẻ.

Vinh dự được tham gia một tiết mục văn nghệ tái hiện sự kiện tập kết ra Bắc trong chương trình lễ kỷ niệm, Lê Thị Anh Thư, học sinh Trường THPT Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) chia sẻ, em rất xúc động khi được xem những kỷ vật, nghe những câu chuyện của các cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

“Em thật sự khâm phục trước sự dũng cảm, khát vọng được cống hiến cho quê hương, đất nước của thế hệ cha, ông đi trước, những người đã không ngại gian khổ, hy sinh để chúng em được sống trong hòa bình, tự do như hôm nay. Em hứa sẽ nỗ lực hơn nữa trong học tập, để sau này trở thành người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp”, Anh Thư chia sẻ.

Theo tôi học tập, giáo dục chính là tiền đề để xây dựng và phát triển đất nước. Những học sinh miền Nam ngày ấy đều có khát khao học tập, khát khao được cống hiến cho quê hương, đất nước. Khi tôi lập gia đình, 4 người con lần lượt ra đời, tôi đều tạo điều kiện, động viên các con chú tâm vào việc học và cả 4 người đều ăn học đến nơi đến chốn.

Tôi muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ ngày nay cần nâng cao tinh thần hiếu học, nỗ lực học tập để trở thành người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Ông Nguyễn Thành Hiệp

Quách Mến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chien-luoc-trong-nguoi-vi-dai-post726633.html