Nét đẹp văn hóa tâm linh xứ Thanh
Hòa chung không khí tưng bừng của những ngày tháng tư lịch sử, ngày 12.4, tại xã Yên Thọ, UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ hội đền Đồng Cổ - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hoạt cảnh tái hiện lại lịch sử thần Đồng Cổ, sự hình thành núi và đền Đồng Cổ
Đây là năm đầu tiên lễ hội được tổ chức với quy mô, hình thức của lễ hội Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau khi được Bộ VHTTDL công nhận năm 2024.
Lễ hội được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 3 âm lịch (từ ngày 10 đến 12.4) nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Thần Đồng Cổ đã có công giúp nhiều đời vua và Nhân dân thắng ngoại xâm, diệt trừ phản loạn.
Lễ hội gồm hai phần, phần lễ diễn ra trang nghiêm với các nghi thức truyền thống như lễ rước kiệu, lễ cáo yết, lễ dâng hương.

Nghi thức rước thần Đồng Cổ tại lễ hội
Tâm điểm của lễ hội là lễ rước kiệu từ đền Đồng Cổ về đình Phúc tế lễ xin linh khí thần Đồng Cổ, sau đó rước kiệu từ đình Phúc về đền Đồng Cổ dâng hương, tái hiện lại những truyền thuyết về vị thần linh thiêng.
Tiếng trống đồng vang vọng như lời hiệu triệu, gợi nhớ về khí thế hào hùng của cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Bên cạnh phần lễ trang trọng, phần hội cũng diễn ra sôi nổi, đại biểu và Nhân dân được xem hoạt cảnh tái hiện lại lịch sử thần Đồng Cổ, sự hình thành núi và đền Đồng Cổ, do Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn biểu diễn.

Chủ tịch UBND huyện Yên Định Phạm Tiến Dũng phát biểu khai hội đền Đồng Cổ
Tại lễ hội, du khách và người dân được hòa mình vào không gian lễ hội náo nhiệt, tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ, xem các trò chơi, trò diễn dân gian, trưng bày sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của huyện Yên Định và một số địa phương trong tỉnh.
Đây là dịp để mọi người giao lưu, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng và cùng nhau bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Chuơng trình nghệ thuật tại lễ hội
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Yên Định Phạm Tiến Dũng, nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử, văn hóa của Lễ hội đền Đồng Cổ, đồng thời khẳng định sự kiện này không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Lễ hội cũng góp phần quảng bá tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh của huyện Yên Định nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Đông đảo Nhân dân và du khách thập phương dự lễ hội
Truyền thuyết về đền Đồng Cổ cho hay, thôn Khả Lao-Đan Nê ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định hình thành vào khoảng thời Hùng Vương thứ nhất và theo “Đại nam nhất thống chí”, miếu Đồng Cổ có từ năm 2569 trước Công nguyên.
Tương truyền từ thời Hùng Vương đến Tiền Lê, Lý, Trần - Hồ, Hậu Lê, thần Đồng Cổ đã nhiều lần hiển linh báo mộng, phò vua đánh giặc.

Lễ hội được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 3 âm lịch (từ ngày 10 đến 12.4)
Đặc biệt, vào thời nhà Lý, thần Đồng Cổ đã hai lần giúp vua cứu nước. Khi đức Lý Thái Tông lên ngôi (năm 1028) đã phong tước vương cho Thần Đồng Cổ.
Về sau, vua Lý cho rước linh vị thần Đồng Cổ ra kinh đô Thăng Long. Việc thờ Thần Đồng Cổ trở thành quốc lễ của triều Lý nói riêng và các vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam nói chung.

Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia đền Đồng Cổ. Ảnh: Đình Minh
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đền Đồng Cổ và lễ hội đền Đồng Cổ vẫn luôn được gìn giữ, trở thành minh chứng cho sự tồn tại của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc trên vùng đất xứ Thanh.
Với những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, năm 2001, đền Đồng Cổ vinh dự được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Tháng 12.2024, lễ hội đền Đồng Cổ được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/net-dep-van-hoa-tam-linh-xu-thanh-127542.html