Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 2, Bắc Kinh quyết không thua, Washington hết cơ hội 'mặc cả'?

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 2 được cho là đã chính thức bắt đầu, khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục 'nổ súng' trước. Một mức thuế quan đánh mạnh vào hàng Trung Quốc, khiến Bắc Kinh không thể khoanh tay đứng nhìn. Và dù trò chơi có thể sẽ 'không có người chiến thắng', nhưng Trung Quốc đã xác định 'không thua'.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là “trò chơi” không hồi kết. (Nguồn: Getty)

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là “trò chơi” không hồi kết. (Nguồn: Getty)

Giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã bắt đầu, khi mức thuế mới 10% của Tổng thống Trump đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực. Trung Quốc đã chính thức đáp trả bằng thuế quan và lệnh trừng phạt của riêng mình.

Ngày 1/2, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, chính phủ của ông sẽ áp thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico, vì bị cáo buộc không hợp tác để ngăn chặn "fentanyl và các loại thuốc khác chảy vào nước Mỹ". Thuế quan này có hiệu lực vào nửa đêm ngày 4/2.

Không ai chiến thắng, nhưng Bắc Kinh không thua

Chính phủ Canada và Mexico đều đã đảm bảo được ít nhất một sự hòa hoãn tạm thời, với việc chính quyền Mỹ đồng ý vào ngày 3/2 hoãn việc áp thuế trong 30 ngày, để đổi lấy việc tăng cường thực thi biên giới. Trung Quốc thì không có bất cứ một thỏa thuận nào như vậy.

Từ 4/2, tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đều đã phải chịu thêm mức thuế 10% - ngoài các mức thuế và nghĩa vụ hiện hành được áp dụng từ thời chính quyền của Tổng thống Biden. Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc công bố tăng mức thuế quan đối với hàng Trung Quốc chỉ là một "con bài mặc cả" của ông Trump, nhằm mục đích tạo đòn bẩy để đạt được thỏa thuận cuối cùng. Nhưng trong khi ông Trump có thói quen "ra đòn" trước, rồi sau đó mới rút lại để "mặc cả" đổi những nhượng bộ từ các quốc gia đối tác, thì thuế quan đánh vào Trung Quốc lại khác - các mức thuế bổ sung được đánh vào hàng nhập khẩu của nước này trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, qua nhiệm kỳ Tổng thống Biden và hiện vẫn được áp dụng cho đến nay.

Ngay sau khi mức thuế mới được công bố, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "Trung Quốc kiên quyết lên án, phản đối động thái này và sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình".

Tuyên bố cáo buộc Mỹ "vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO", đồng thời một lần nữa nhắc lại rằng, "không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thương mại và thuế quan".

Nhưng dù trò chơi có thể không có người chiến thắng, nhưng Trung Quốc quyết không thua. Khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực, Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt của riêng mình.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố vào ngày 4/2 rằng, Bắc Kinh đang áp dụng thuế quan mới đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ phải chịu mức thuế 15%, trong khi dầu thô, máy móc nông nghiệp, ô tô lớn và xe bán tải sẽ phải chịu mức thuế 10%. Thông báo chính thức cho thấy rõ, động thái mới này của Bắc Kinh liên quan việc chính quyền Tổng thống Trump sử dụng thuế quan đối với hàng Trung Quốc.

Reuters lưu ý, Trung Quốc không nhập khẩu nhiều năng lượng từ Mỹ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Vào năm 2024, các nguồn năng lượng Mỹ chỉ chiếm 1,7% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của nền kinh tế só 1 châu Á trong năm. LNG của Mỹ chỉ đóng góp 5,4% lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc, mặc dù doanh số bán LNG của Mỹ cho quốc gia châu Á đã tăng lên. Mỹ cũng không phải là nguồn cung cấp than chính cho Trung Quốc, chỉ chiếm khoảng 3% lượng nhập khẩu của nước này.

Ngoài việc ban hành thuế quan, Bắc Kinh cũng tuyên bố rằng - họ đang đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một cử chỉ mang tính biểu tượng tại thời điểm này, vì việc Mỹ từ chối chấp thuận các trọng tài viên mới đã khiến cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bị tê liệt từ lâu.

Tuy nhiên, điều này cho phép Trung Quốc tuyên bố rằng, họ có lập trường đạo đức hơn, như Bộ Thương mại nước này đã làm trong tuyên bố về vụ kiện lên WTO: "Trung Quốc là một bên ủng hộ vững chắc và là người đóng góp quan trọng cho hệ thống thương mại đa phương. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các thành viên WTO khác để cùng nhau giải quyết những thách thức đối với hệ thống thương mại đa phương do chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gây ra, đồng thời duy trì sự phát triển có trật tự và ổn định của thương mại quốc tế".

Biến chuỗi cung ứng thành "vũ khí"

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã công bố lệnh kiểm soát xuất khẩu mới đối với vonfram và 25 kim loại, đất hiếm khác. Bản thông báo chính thức của Bộ này không đề cập vấn đề thuế quan của Mỹ, hoặc coi lệnh kiểm soát xuất khẩu là hành động trả đũa, thay vào đó nói rằng, động thái này là cần thiết để "bảo vệ tốt hơn an ninh và lợi ích quốc gia" và thực hiện nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Tuy nhiên, như giới phân tích quốc tế nhận định, lệnh kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc dù không chính thức nhằm vào ai, nhưng ngầm bên trong có "bóng dáng" động cơ chính trị. Lệnh cấm mới nhất này cũng phù hợp với tiêu chí của một chỉ thị (12/2024) rộng lớn hơn - là hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang Mỹ, nhờ tận dụng sự thống trị áp đảo của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, nhằm ngăn chặn quyền tiếp cận các vật liệu được sử dụng trong công nghệ tiên tiến.

Bắc Kinh cũng đã thêm hai công ty Mỹ là PVH Corp. và Illumina - vào Danh sách các thực thể không đáng tin cậy - một lần nữa thể hiện rằng, những lý do không liên quan đến thuế quan của Tổng thống Trump. Hai công ty này bị cáo buộc đã "áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc và gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước này".

Illumina là một công ty công nghệ sinh học của Mỹ. Còn PVH Corp là công ty mẹ của các thương hiệu thời trang Mỹ đình đám là Calvin Klein và Tommy Hilfiger. Trước đây, công ty này đã bị Trung Quốc giám sát vì bị cáo buộc "phân biệt đối xử" với bông được sản xuất tại Tân Cương - một biện pháp theo yêu cầu của luật pháp Mỹ, theo đó các công ty phải thừa nhận hàng hóa và vật liệu từ Tân Cương được sản xuất bằng lao động cưỡng bức, trừ khi có bằng chứng chứng minh ngược lại.

Chuyên gia Xing Jiaying của Đại học Công nghệ Nanyang đã lưu ý trong một bài báo gần đây cho The Diplomat rằng, Trung Quốc đang thể hiện sự sẵn sàng mới trong việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ theo cách thực chất - thay vì chỉ mang tính tượng trưng.

"Những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm tận dụng sự thống trị của mình trên các thị trường chính, chẳng hạn như máy bay không người lái và khoáng sản quan trọng, phản ánh sự sẵn sàng ngày càng tăng trong việc biến chuỗi cung ứng thành vũ khí và áp đặt chi phí kinh tế lên các thực thể bị nhắm mục tiêu", chuyên gia Xing viết.

Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn, vì Trung Quốc muốn tránh "chơi quá tay" và làm tổn hại thêm nền kinh tế vốn đang mong manh của chính mình.

Lưu ý thận trọng này được ngầm hiểu trong tuyên bố của Bộ Thương mại về việc bổ sung vào Danh sách các thực thể không đáng tin cậy. Bộ này nhận thức rõ về khả năng sử dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư nước ngoài.

Do đó, tuyên bố kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng, "Trung Quốc luôn xử lý vấn đề Danh sách các thực thể không đáng tin cậy một cách thận trọng và chỉ nhắm vào một nhóm rất nhỏ các thực thể nước ngoài gây tổn hại đến an ninh quốc gia của nước mình, theo luật pháp. Các thực thể nước ngoài trung thực và tuân thủ pháp luật không có gì phải lo lắng".

Tuy nhiên, khi chiến tranh thương mại leo thang, cả các công ty Mỹ và Trung Quốc đều sẽ lo lắng.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-quoc-giai-doan-2-bac-kinh-quyet-khong-thua-washington-het-co-hoi-mac-ca-303222.html