Chiềng Công tìm hướng thoát nghèo

Cách trung tâm huyện 38 km, Chiềng Công là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mường La. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 58,6%, thu nhập bình quân mới đạt 8 triệu đồng/người/năm, là bài toán cần có lời giải cho xã vùng ba đặc biệt khó khăn này.

Đất đai bạc màu, nông dân xã Chiềng Công (Mường La) gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Đất đai bạc màu, nông dân xã Chiềng Công (Mường La) gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Ở Chiềng Công, đất sản xuất chủ yếu là đất dốc, bạc màu; sản xuất manh mún, thiếu vốn đầu tư, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; nhất là vận chuyển, mua bán nông sản gặp nhiều khó khăn, do tuyến đường liên xã Chiềng San - Chiềng Hoa - Chiềng Công xuống cấp nghiêm trọng. Đồng chí Lầu A Say, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Khó nhất trong sản xuất nông nghiệp ở đây là không ổn định, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn xảy ra. Vụ sơn tra năm 2020, sản lượng toàn xã ước đạt khoảng 3.200 tấn quả, nhưng có rất ít thương lái vào thu mua, giá lại thấp, nhiều diện tích bỏ không thu hái, ước có khoảng 1.900 tấn quả sơn tra không tiêu thụ được.

Đồng chí Sùng A Di, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên “đi trước, làm trước” để người dân làm theo. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc”; liên kết với một số doanh nghiệp, hợp tác xã từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, chính sách để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế...

Toàn xã hiện có 562 hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với tổng dư nợ 6,8 tỷ đồng để đầu tư sản xuất. Năm 2020, từ nguồn vốn sự nghiệp nông lâm, nông thôn mới do huyện đầu tư đã có 14 bản được hỗ trợ 8.000 cây giống sơn tra và 9.520 cây giống mận hậu để chuyển đổi cây trồng; nguồn vốn của chương trình 30a, 135 hỗ trợ 92 con bò sinh sản cho các hộ nghèo. Ngoài ra, với gần 7 tỷ đồng tiền chi trả khoanh nuôi, bảo vệ 8.166 ha rừng, bà con cũng có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất. Hằng năm, xã duy trì canh tác hơn 850 ha ngô, 306 ha lúa nương, 104 ha lúa ruộng, 34 ha sắn; chăm sóc 274 ha cây lâu năm và duy trì chăn nuôi 17.500 con gia súc, gia cầm. Bước đầu đã có một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, như: Trồng cây thảo quả ở bản Tảo Ván; trồng cây sơn tra ở bản Co Sủ trên, Co Sủ dưới...

Chúng tôi đến bản Co Sủ trên, gặp và trò chuyện với anh Giàng A Sáy về việc phát triển kinh tế gia đình. Anh Sáy cho hay: Gia đình tôi hiện có 11 con trâu, bò, mỗi năm bán 2-3 con. Ngoài ra, còn trồng 2,5 ha ngô, sản lượng đạt 20 tấn/năm; chăm sóc 5.000m² cây sơn tra, sản lượng 2 tấn quả/năm. Mỗi năm tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi đạt hơn 100 triệu đồng. Gia đình tôi dự định năm nay sẽ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc.

Tiếp tục đến bản Mạo, chúng tôi gặp vợ chồng anh Sùng A Nênh đang phát cỏ, chăm bón vườn mận. Anh Nênh chia sẻ: Tháng 7/2020, được Nhà nước hỗ trợ 800 gốc mận hậu giống, gia đình tôi đã trồng trên diện tích đất nương. Tận dụng các khoảng đất trống khi cây mận còn nhỏ, tới đây gia đình sẽ trồng xen cây sắn để tăng thêm thu nhập.

Ông Giàng A Cháy, Trưởng bản Mạo, thông tin: Bước đầu bản đã chuyển đổi được 5 ha đất trồng ngô sang trồng cây mận hậu, hiện cây mận đang phát triển tốt. Năm nay, bản phối hợp với Nhà máy tinh bột sắn Sơn La (Mai Sơn) liên kết sản xuất, với dự kiến sẽ trồng 38 ha sắn. Tuy nhiên, bản Mạo có 40/63 hộ nghèo, nên bà con rất mong được nhà nước hỗ trợ thêm cây giống để phát triển sản xuất.

Cấp ủy, chính quyền và người dân xã Chiềng Công đang nỗ lực giải bài toán thoát nghèo cho chính mình. Song, với điều kiện đất đai, khí hậu, đường giao thông không thuận lợi, xã rất mong các cấp, các ngành giúp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi nhiều hơn để đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chieng-cong-tim-huong-thoat-ngheo-38754