EVN kỳ vọng giảm lỗ năm 2024 xuống 10.000 tỷ đồng

Sau 6 tháng đầu năm lỗ ròng 13.000 tỷ đồng, EVN kỳ vọng lợi nhuận nửa cuối năm sẽ dương, qua đó giảm lỗ cả năm xuống còn 10.000 tỷ đồng.

 EVN kỳ vọng có lãi trong nửa cuối năm nay. Ảnh: Việt Linh.

EVN kỳ vọng có lãi trong nửa cuối năm nay. Ảnh: Việt Linh.

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 151,74 tỷ kWh, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng rất cao so với kế hoạch; sản lượng điện tiêu thụ ngày lớn nhất đã đạt mức 1,02 tỷ kWh.

Người đứng đầu EVN cũng chia sẻ về tình hình tài chính hiện nay, đặc biệt là số lỗ 13.000 tỷ đồng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm. Đây là con số từ báo cáo sơ kết và số chính thức được công bố vào cuối năm khi có kiểm toán.

Vào nửa cuối năm nay, EVN kỳ vọng giảm khoản lỗ xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng nhờ những yếu tố thuận lợi như vận hành được thủy điện, giảm chi phí mua điện.

"Sau 2 năm lỗ liên tiếp, 6 tháng đầu năm nay lỗ 13.000 tỷ đồng. Cuối năm nay, lợi nhuận sẽ dương, rút giảm số lỗ xuống, nhưng vẫn sẽ lỗ", lãnh đạo EVN cho biết.

Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 cho thấy doanh thu thuần của EVN tăng 8% so với với năm 2022 lên 500.720 tỷ đồng nhưng lỗ ròng kỷ lục 26.772 tỷ đồng, tăng 29%. Tính đến cuối năm 2023, tập đoàn lỗ lũy kế 41.824 tỷ đồng.

Ước tính theo số liệu EVN công bố, khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6 đã tăng lên 54.824 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân, ông Tuấn cho biết 82% giá thành tiền điện là chi phí mua điện, giá thành mua điện năm nay tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng.

Còn lại, 18% để tối ưu hóa hệ thống của EVN. Nhưng với 18% này, kể cả tiết kiệm, tối ưu cũng không có cách gì bù đắp được các chi phí.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, do áp lực chi phí sản xuất cao hơn giá bán lẻ điện trong giai đoạn 2021-2023, EVN buộc phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất điện bình quân trong năm 2024 thông qua việc điều tiết tỷ lệ sản lượng điện năng thanh toán theo giá hợp đồng (tỷ lệ alpha) giữa các loại hình phát điện.

Dựa trên số liệu thống kê, công ty chứng khoán này cho rằng EVN sẽ cần tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024-2025 ít nhất 5% (tương ứng 100 đồng/kWh) để có thể hòa vốn.

Hồi tháng 5, EVN đã được cấp cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng/lần so với 6 tháng/lần như trước đây.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/evn-ky-vong-giam-lo-nam-2024-xuong-10000-ty-dong-post1486713.html