Chiều 11/7, giá dầu châu Á tăng do khả năng nguồn cung 'vàng đen' biến động mạnh
Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 11/7 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ đưa ra một tuyên bố liên quan đến Nga.

Giàn khoan dầu tại Luling, Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Điều này làm dấy lên khả năng sẽ có thêm các lệnh trừng phạt đối với quốc gia sản xuất dầu lớn này.
Tuy nhiên, lo ngại về chính sách thuế quan và việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, tăng sản lượng đã hạn chế đà tăng của giá dầu. Vào lúc 13 giờ 49 phút ngày 11/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 44 xu Mỹ (0,64%) lên 69,08 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng tăng 52 xu Mỹ (0,78%) lên 67,09 USD/thùng. Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu Brent đã tăng 1,1% và WTI tăng 0,1%. Các nhà phân tích của ngân hàng ING nhận định rằng giá dầu đã phục hồi phần nào sau khi Tổng thống Trump cho biết sẽ đưa ra một tuyên bố quan trọng về Nga vào ngày 14/7. Điều này có thể khiến thị trường lo ngại về khả năng Mỹ áp thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Trong một báo cáo hàng tuần, các nhà phân tích của BMI cho rằng các yếu tố cung cầu thắt chặt, cùng với nhu cầu theo mùa đang được cải thiện đã hỗ trợ giá dầu. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công trở lại của lực lượng Houthi vào các tàu thuyền đi qua Biển Đỏ cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
Một dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang cải thiện là việc Saudi Arabia dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 51 triệu thùng dầu thô sang Trung Quốc trong tháng 8/2025 - mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Theo báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới năm 2025 (World Oil Outlook 2025) do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố ngày 11/7, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức gần 123 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Báo cáo cho biết, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 18,6% trong giai đoạn 2024–2050, từ mức 103,7 triệu thùng/ngày hiện nay lên 123 triệu thùng/ngày. Sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi các điều kiện kinh tế cải thiện và tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng tại các nước ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).