OPEC+ liên tục nâng sản lượng, cuộc chiến giá dầu mới sắp nổ ra?
Việc OPEC+ bất ngờ đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng sau thời gian dài tự nguyên giảm khai thác đang khiến thị trường lo ngại có thể xảy ra một cú sốc cung và giá dầu thô sẽ chịu áp lực giảm.
Khơi mào cuộc chiến giá dầu mới?

Giá dầu thô đã chịu áp lực giảm về dưới mức 70 USD/thùng sau khi OPEC+ công bố tăng sản lượng trong thời gian tới.
Ngày 5/7, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh (OPEC+) thống nhất tăng sản lượng dầu thô tháng 8/2025 thêm 548.000 thùng/ngày và sẽ xem xét thêm một đợt tăng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày cho tháng 9/2025
Tổ chức này đã ghìm sản lượng từ cuối năm 2022, nhằm ngăn tình trạng dư cung trên thị trường khiến giá dầu thô giảm, nhất là khi Mỹ tăng mạnh sản lượng dầu đá phiến. OPEC+ hiện đang chi phối khoảng 50% sản lượng khai thác dầu toàn cầu.
Cho đến đầu năm nay, nhóm này đã tự nguyện giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương 5,7% nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2025, OPEC+ bất ngờ công bố mức tăng sản lượng cao gấp 3 lần kế hoạch ban đầu, bất chấp các lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Vietcombank, việc OPEC+ đẩy nhanh kế hoạch khôi phục sản lượng có thể nhằm đạt một số mục tiêu chiến lược, nhưng hiện tại chưa có dấu hiệu để khẳng định đây là một “cuộc chiến giá dầu” mới với dầu đá phiến từ Mỹ.
Lý giải về việc đẩy nhanh sản lượng khai thác trở lại, OPEC có cho biết thị trường dầu mỏ hiện đang trong trạng thái tương đối ổn định, trong khi lượng tồn kho toàn cầu đang ở mức thấp. Đây được xem là những yếu tố thuận lợi để tổ chức này từng bước thu hẹp các đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện trước đây mà không làm gia tăng nguy cơ dư cung trên thị trường.
Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank nhận định trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) có dấu hiệu chậm lại, việc OPEC+ gia tăng sản lượng trở lại chủ yếu nhằm bảo vệ thị phần, thay vì phát động một cuộc chiến về giá. Ngoài ra, việc gia tăng sản lượng cũng là bước đi đón đầu mùa cao điểm tiêu thụ xăng tại Mỹ (tháng 6 - 8) cũng như chuẩn bị cho việc nhiều nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới sẽ tạm nghỉ để bảo dưỡng định kỳ trong mùa Thu hàng năm.

(Nguồn: EIA, IEA, Chứng khoán Vietcombank tổng hợp)
Ngoài ra, việc gia tăng sản lượng cũng được cho là nhằm trừng phạt một số quốc gia thành viên khối OPEC+ đã không tuân thủ việc cắt giảm sản lượng trước đây, như Iraq và Kazakhstan. Việc đảm bảo các thành viên tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng là yếu tố then chốt để liên minh duy trì vai trò điều tiết thị trường.
Hiện Nga - quốc gia đứng đầu nhóm 10 nước thành viên đồng minh đang ủng hộ lập trường cứng rắn của Saudi Arbia - quốc gia đứng đầu nhóm 12 nước thành viên khối OPEC trong việc xử lý các thành viên vi phạm hạn ngạch. Trước đó, Saudi Arbia đã cảnh báo sẽ tăng sản lượng khai thác nếu các quốc gia vi phạm không tuân thủ cam kết. Mặc dù Kazakhsta đã tuyên bố sẽ điều chỉnh giảm sản lượng nhưng lượng dầu xuất khẩu của nước này vẫn ở mức cao kỷ lục trong những tháng vừa qua, cho thấy sự thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện cam kết.
Dầu đá phiến Mỹ có thể gặp áp lực
Theo khảo sát quý 1/2025 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Chi nhánh Dallas, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cần giá dầu thô đạt trung bình khoảng 65 USD/thùng để có lãi. Nếu tính cả các phương pháp khai thác dầu khí truyền thống, chi phí sản xuất trung bình toàn ngành dầu khí của Mỹ ở khoảng 41 USD/thùng và giá hòa vốn toàn phần lên tới 59 - 70 USD/thùng.
Trong khi đó, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính Nga sẽ cần giá dầu thô ở mức trung bình khoảng 77 USD/thùng để cân bằng tài khoản vãng lai của nước này trong năm 2025. Đáng chú ý, giá hòa vốn khai thác dầu khí của Nga hiện chỉ ở mức 41 USD/thùng - mức thấp thứ hai trong số các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

(Nguồn: Bloomberg, IIF, IMF, Chứng khoán Vietcombank tổng hợp)
So với Nga và các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, Saudi Arabia sở hữu lợi thế về chi phí khai thác dầu thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 12 USD/thùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Saudi Arabia cần giá dầu thô ở mức 91 USD/thùng do nước này đang đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng.
Đối với các quốc gia Vùng Vịnh khác như Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Qatar, chỉ cần giá dầu thô ở khoảng 50 - 57 USD/thùng để đảm bảo cân bằng ngân sách.
Như vậy, có thể thấy ngành dầu khí Nga đang có khả năng thích ứng tốt trong bối cảnh giá năng lượng biến động và các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, ngành dầu khí Mỹ có thể tiếp tục duy trì sức cạnh tranh nhờ công nghệ khai thác tiên tiến và khả năng điều chỉnh sản lượng linh hoạt.
Tuy nhiên, do chi phí sản xuất cao hơn nên nếu giá dầu duy trì ở mức dưới 65 USD/thùng trong thời gian dài sẽ đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành dầu đá phiến, theo Chứng khoán Vietcombank.

(Đơn vị tính: USD/thùng)
Ngay sau quyết định tăng sản lượng khai thác tháng 8/2025 của OPEC+, khảo sát sơ bộ của hãng tin Reuters cho thấy nhiều doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến Mỹ dự kiến sẽ khoan ít giếng dầu hơn trong năm 2026.
Hiện nhiều tổ chức tài chính lớn như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA), HSBC, Wood Mackenzie và J.P Morgan cùng dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 65 USD/thùng trong năm nay. Nhưng nếu các căng thẳng thương mại trên toàn cầu không được giải quyết, nhu cầu dầu thô sẽ bắt đầu giảm từ năm 2026 và có thể khiến giá dầu thô Brent rơi về mức 50 USD/thùng.