Chiều cuối năm

Vào những ngày cuối năm, trời miền Trung vẫn se se lạnh nhưng đã thôi rả rích mưa. Thay vào đó là nắng vàng mơ dịu nhẹ trải khắp từng ngọn cây, ngõ xóm. Không gian trong lành và thoáng rộng thêm ra.

Minh họa: HƯNG DŨNG

Trên những nhành cây vốn khẳng khiu, gầy guộc từ cuối đông, chồi non xanh xinh xinh bắt đầu cựa mình, chờ nắng ấm hơn sẽ bung đều thành lộc biếc. Nhựa sống lại căng đầy. Những ngôi nhà san sát nhau, mái ngói tường vôi dù cao hay thấp đều vẽ lên một màu sáng tươi, mới mẻ. Đâu đó thoang thoảng hương thơm dìu dịu của muôn loài hoa lá, cỏ cây.

Thích nhất là cảm giác được chạm đến chiều 30 tết. Mặc thêm một chiếc áo khoác nhẹ lên người, ta bước chân ra ngõ và sẽ thấy sống dậy niềm xốn xang khó tả. Từng đoàn xe nối đuôi nhau, ngược xuôi đông đúc. Tiếng còi xe ô tô, xe máy hòa vào giai điệu nhạc xuân xập xình...

Những ngày nghỉ cuối năm lại rộn ràng, náo nức hơn bao giờ hết. Trong đoàn xe nhộn nhịp ấy, không ít người ở các nơi khác ùa về. Vì cuộc mưu sinh mà họ phải tạm xa quê hương, xa người thân, họ hàng. Cuối năm, dù không hẹn, nhưng họ đã cùng trở về. Nhà nhà sum vầy, người người đoàn tụ.

Chiều 30 tết, cổng nhà ai cũng rộng mở. Đó chính là cách để chủ nhân báo rằng luôn sẵn sàng mở lòng đón khách. Tranh thủ ít thời gian, những người ở xa nay được dịp về quê sẽ đến thăm nhà bà con, anh em. Cái bắt tay, vòng ôm siết chặt, tiếng nói cười thân thiện khiến sự cách xa bấy lâu bỗng hóa gần gũi và quá đỗi thương yêu.

Sau khi ngồi hàn huyên và uống với nhau chén trà thơm nóng, chủ và khách lại gửi biếu nhau một chút quà mang hương vị tết quê hương. Người này trao gói bánh quy, bánh đậu thì người kia lại được dúi vào tay trái bưởi, ký cam... Dù giá trị vật chất không nhiều nhưng tình người quá ư nồng ấm.

Một thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc mua sắm trong dịp tết đến xuân về cũng cần cân nhắc. Không nên quá cầu kỳ, tốn kém, mẹ chỉ cần đi hai buổi chợ là xong. Nhưng dù thế nào thì bàn thờ tổ tiên ông bà vẫn phải đủ vật phẩm lễ nghi. Nhang trầm, đèn nến, một khay ngũ quả và ít bánh khô. Một năm lo toan vất vả đã qua, ai cũng cầu mong phước lành. Cha cẩn trọng quét dọn bàn thờ và ngồi tẩn mẩn sửa sang, lau chùi lư hương, đèn nến.

Góc bếp ngày cuối năm vừa sáng ấm vừa thơm hương nếp mới nhờ đôi tay khéo léo của mẹ. Mấy năm nay, xóm làng giảm hẳn việc gói bánh chưng, bánh tét. Chỉ cần gọi điện thoại dặn trước, tiệm bánh sẽ gói theo ý và giao tận nhà. Bánh được làm từ người có tay nghề cao vừa ngon vừa đẹp. Thật là tiện lợi. Chiều tới, mẹ chỉ cần chuẩn bị mâm cúng tất niên. Tay mẹ sẽ đảo đều nồi xôi, vớt con gà đã luộc chín vàng ươm ra đĩa rồi nấu cháo.

Không kém phần quan trọng nhưng lại được sắm cuối cùng đó là hoa tết. Có thể nói, khó có gì đẹp tươi và vui nhộn hơn chợ hoa lúc này. Gọi là chợ nhưng hoa được bày bán khắp ven đường đến ngã ba, ngã năm. Mỗi chậu hoa, cây cảnh mang một hương sắc, một ý nghĩa riêng. Nghề buôn hoa là cả một nghệ thuật.

Người ta không ham bán theo số nhiều, hoa cần đa dạng, phong phú về kiểu dáng, màu sắc và phù hợp với sở thích của người chơi hoa. Đặc biệt, hoa phải thật tươi và nở đều đến hết mùng ba tết. Ngoài những loài hoa quen thuộc của miền Trung như hoa mai, hoa cúc, các mối buôn còn chở quất cảnh và hoa đào từ miền Bắc, hoa hồng, hoa lan, hoa ly, tuy líp... từ Đà Lạt về. Người chơi hoa cũng cần biết cách bài trí, học cách chăm sóc, phun tưới để cây, hoa được bền màu.

Hoàng hôn buông xuống, những cơn gió nhẹ từ biển thổi ngược lên, trời sẽ lạnh hơn. Cửa nhà vẫn rộng mở, đèn điện bật sớm hơn mọi khi. Trước hè là chậu quất lúc lỉu trái vàng trái xanh, trong phòng khách là khóm hoa mai chi chít nụ đang hé nở. Treo trên đó là nén vàng, đồng tiền, câu đối lấp lánh những lời mong cầu bao điều may mắn, thịnh vượng.

Nhang trầm, đèn nến nghi ngút khói thơm, cha ăn mặc lịch sự và cung kính đứng trước mâm cúng đọc thầm lời tạ ơn và cầu nguyện. Thiêng liêng và thánh thiện vô cùng. Cả nhà quây quần bên nhau, trên kính dưới nhường, ấm áp đến lạ. Những câu chuyện của mẹ lại gợi nhắc một số sự kiện đáng nhớ năm qua.

Ngoài đường đã thưa người qua lại. Thanh âm cuộc sống rộn lên ở muôn nhà, ai cũng rạo rực bao niềm đợi chờ, hy vọng, tin yêu.

HƯƠNG VĂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/292534/chieu-cuoi-nam.html