Chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Nghiêm túc, chất lượng

Chiều 28-5, trao đổi bên lề phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm nghiêm túc, chất lượng, đúng quy định, đủ điều kiện để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Mai Hữu

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Mai Hữu

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai:

Nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết

Có thể khẳng định ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật rất nghiêm túc, chất lượng, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi hồ sơ tài liệu đến Quốc hội từ sớm, bảo đảm thời gian cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Qua phiên thảo luận hội trường hôm nay, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung thể hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực. Dự thảo Luật cũng có nhiều điểm mới, tiến bộ, cơ bản hoàn thiện những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Hà Nội có điều kiện phát triển tốt hơn. Đồng thời, đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, đi thẳng vào các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này tạo cơ sở pháp lý khắc phục một số tồn tại, hạn chế cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm, đáp ứng yêu cầu của Trung ương và nhân dân cả nước.

Đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định). Ảnh: PV

Đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định). Ảnh: PV

Đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định):

Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Kết luận số 80-KL/TƯ

Tôi đánh giá cao việc dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu. Hồ sơ dự thảo Luật đã chuẩn bị rất công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Luật đã thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Trung ương tại các Nghị quyết và đặc biệt là Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đó là tăng cường phân cấp, phân quyền, có cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là lĩnh vực đầu tư tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, có cơ chế hợp tác công tư về quy hoạch đất đai, tổ chức bộ máy, tạo sự sáng tạo, tinh thần chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thủ đô.

Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô, tôi cho rằng cần chú trọng đầu tư và phát triển thành phố Hà Nội như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt. Dự thảo Luật quy định Thủ đô là đô thị đặc biệt hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị theo Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị.

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: PV

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: PV

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh):

Cần tham khảo kinh nghiệm xây dựng “thành phố trong thành phố”

Ngoài Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét về cơ chế đặc thù cho thêm các địa phương khác như Đà Nẵng, Nghệ An. Cơ chế đặc thù cho mỗi địa phương sẽ khác nhau, phù hợp với các điều kiện về đất đai, môi trường, khí hậu, dân số… của mỗi nơi. Đặc biệt với Hà Nội, có đặc trưng không có tỉnh, thành nào có được nên nhất thiết phải có những cơ chế đặc thù riêng để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị hành chính đóng vai trò, vị trí Thủ đô.

Về mô hình “thành phố trong thành phố” tại dự thảo Luật Thủ đô, hiện nay, các địa phương có mô hình thành phố trong tỉnh, còn mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên là thành phố Thủ Đức của thành phố Hồ Chí Minh. Với Hà Nội, tôi hoàn toàn ủng hộ mô hình này, chỉ lưu ý quá trình thực hiện cần cân nhắc lộ trình cụ thể... Từ kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố, Hà Nội đưa ra được những đề xuất cụ thể, giúp mô hình mới đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chinh-ly-hoan-thien-du-thao-luat-thu-do-sua-doi-nghiem-tuc-chat-luong-667657.html