Chính phủ Australia cần có chính sách rõ ràng về cắt giảm khí thải
Các công ty lớn của Australia cũng đang yêu cầu chính phủ có chính sách rõ ràng về cắt giảm khí thải, để các công ty lên kế hoạch kinh doanh phù hợp trong tương lai.
Australia đang chịu nhiều sức ép từ cộng đồng quốc tế về việc đưa ra cam kết đưa mức bù trừ carbon về 0. Không chỉ vậy, ở trong nước, các công ty lớn cũng đang yêu cầu chính phủ có chính sách rõ ràng về vấn đề này để các công ty lên kế hoạch kinh doanh phù hợp trong tương lai.
Vào tháng 11 tới, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu lần thứ 26 sẽ diễn ra tại thành phố Glasgow của Scotland. Trước thềm hội nghị này, cộng đồng quốc tế đang gây sức ép để buộc Australia đưa ra cam kết về mức bù trừ carbon về 0, để tham gia vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Mặc dù vào hồi tháng 6, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của thế giới vào tháng 11/2021, Australia sẽ công bố Chiến lược cắt giảm khí thải nhà kính dài hạn tuy nhiên đến giờ nội dung về chiến lược này vẫn chưa được tiết lộ.
Trong bối cảnh này, các công ty lớn tại Australia đang rất sốt ruột và mong muốn chính phủ nước này sớm có chiến lược cụ thể, để các công ty lên kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Chủ tịch tập đoàn bất động sản hàng đầu Australia Landlease và cũng là Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị Woolworth ông Michael Ullmer cho biết, các doanh nghiệp tại nước này đang rất mong chính phủ đưa ra các mức cắt giảm carbon cụ thể để các công ty lên kế hoạch kinh doanh cho phù hợp. Bên cạnh đó, ông Michael Ullmer cũng cho rằng, nếu chính phủ Australia không đưa ra cam kết đưa mức bù trừ carbon về 0 vào năm 2050 thì nước này sẽ bỏ lõ cơ hội.
Trong khi đó, vì lo ngại Liên minh châu Âu sẽ áp thuế carbon đối với sản phẩm nhập khẩu từ những nước không tích cực cắt giảm khí thải nhà kính, nên một số công ty lớn của Australia đã chủ động đặt ra mục tiêu cắt giả khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Là một công ty cho thuê bất động sản của Australia nhưng hoạt động tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu và Mỹ, Landlease bắt đầu triển khai các kế hoạch cắt giảm việc sử dụng diesel và khí gaz với mục tiêu sẽ hoàn toàn sử dụng nặng lượng tái tạo vào năm 2030.
Công ty khai thác mỏ lớn hàng đầu Australia là BHP và Rio Tinto cũng đã cam kết đưa mức bù trừ carbon về 0 vào năm 2050. Các công ty này đã đầu tư nhiều công nghệ để giảm mức độ ô nhiễm do khách hàng tạo ra, trong đó bao gồm cả các nhà máy sản xuất thép.
Nghiên cứu gần đây của Market Forces cũng cho thấy, 10 quỹ hưu trí của Australia cũng đã cắt giảm khoảng 2,5 tỷ AUD trong việc rón vốn đầu tư vào ngành dầu khí, khí gas và các mỏ than.
Một trong những cản trở lớn nhất hiện nay khiến chính phủ Australia chưa thể đưa ra cam kết về mức bù trừ carbon về 0 là do khó thuyết phục được đảng Quốc gia, thành phần của chính phủ liên minh ủng hộ chính sách này. Bên cạnh đó, việc cắt giảm hơn nữa khí thải nhà kính cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới khả năng phục phục hồi kinh tế, gây tổn thương cho ngành nông nghiệp vốn đang chịu nhiều thiệt hại từ hạn hán, cháy rừng và dịch Covid-19.
Chính vì vậy có thể thấy, chính phủ Australia sẽ phải tìm được giải pháp để cân bằng giữa các vấn đề trong nước, trước khi đưa ra cam kết về việc đưa mức bù trừ carbon về 0. Trong trường hợp không đưa ra được cam kết, rất có thể làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của chính phủ liên minh./.