Chính phủ lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy cải cách
Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu cắt giảm 20% văn bản và ít nhất 20% chi phí hành chính
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra ngày 10-1, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá kết quả tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh đã thể hiện qua các kết quả kinh tế - xã hội năm 2019 - vượt toàn bộ các mục tiêu.
Cần môi trường pháp lý ổn định
Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn. Nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kỳ tích phát triển cao hơn, tốc độ tăng trưởng GDP vượt mốc 7%-8%/năm.
Trước mắt, theo ông Lộc, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành; tháo gỡ tình trạng xung đột, chồng chéo các quy định pháp luật.
Ông Lộc cho biết VCCI đã thu thập, phân tích 25 điểm xung đột, chồng chéo lớn giữa các đạo luật về đầu tư kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội để chỉ đạo tháo gỡ. Bên cạnh đó, VCCI đề xuất 13 nhóm giải pháp lớn, trọng tâm nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đồng quan điểm trên, ông Miura Nobufumi, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng ổn định môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ông dẫn chứng vẫn có trường hợp lợi ích hợp lý của DN và nhà đầu tư nước ngoài chưa được bảo vệ đầy đủ. Đây có thể là lý do nhà đầu tư nước ngoài ngại ngần đầu tư vào Việt Nam, bất chấp các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Kết nối DN FDI và DN trong nước
Theo ông Vũ Tiến Lộc, bên cạnh gỡ bỏ những rào cản, cần kết nối những nỗ lực phát triển. Cụ thể, kết nối DN FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) với DN nhỏ trong nước, kết nối kinh tế trong nước với kinh tế ngoài nước thông qua các FTA (hiệp định thương mại tự do).
Bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch Liên minh VBF, cho rằng DN FDI có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam nếu xác định được các ưu tiên rõ ràng hơn, đặc biệt là tạo kết nối với khu vực công và DN tư nhân. Việt Nam nên ưu tiên xây dựng hệ thống hành chính mạnh để chào đón, khuyến khích và nuôi dưỡng nguồn vốn FDI.
"DN FDI và DN tư nhân có thể phối hợp, hiện đại hóa và bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo..." - bà Virginia Foote nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cắt giảm thủ tục, chi phí hành chính
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết để hỗ trợ cộng đồng DN phát triển, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề, trong đó ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho DN ở cả 3 khu vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) cùng phát triển; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm bảo đảm minh bạch, thuận lợi, ổn định...
"Không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của DN" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu dự kiến mỗi năm cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và ít nhất 20% chi phí hành chính về hoạt động kinh doanh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, DN lớn, các DN có vốn đầu tư nước ngoài phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt trong việc đầu tư, lựa chọn công nghệ mới, mô hình kinh doanh sáng tạo để hướng tới phát triển bền vững. Từ đó tạo ra thị trường, cơ hội cho các DN nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm trung gian, dịch vụ phụ trợ...
Nhiều quan ngại với ngành du lịch
Ông Kenneth Atkinson, Trưởng nhóm công tác du lịch của VBF, bày tỏ quan ngại khi chỉ riêng 2 thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm hơn 50% tổng số khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều điểm đến du lịch của Việt Nam đang đối diện với rủi ro về môi trường. Chất lượng của lao động ngành du lịch còn nhiều vấn đề, kinh nghiệm quản lý cần cải thiện hơn nữa.
"Ví dụ như về hạ tầng hàng không còn hạn chế, trước khi giải quyết vấn đề lớn như mở rộng sân bay, cần chọn vấn đề nhỏ giải quyết trước. Cụ thể là tăng cường dịch vụ cho khách tự làm, giảm thời gian xếp hàng. Nhiều người phàn nàn họ phải chờ 1,5 đến 2 giờ chỉ để nhập cảnh" - ông Kenneth Atkinson dẫn chứng.