Chinh phục nóc nhà miền Đông Nam Bộ

Miền Nam nước Việt vốn không có nhiều núi, những ngọn núi cao lại càng hiếm hoi. Thế nhưng, Tây Ninh đã được thiên nhiên ưu ái ban tặng một món quà độc đáo: Núi Bà Đen như một cái bát úp khổng lồ nổi lên trên cánh đồng bát ngát, được mệnh danh là Đệ nhất thiên sơn, nóc nhà miền Đông Nam Bộ, trên núi là cả một không gian văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, tâm linh vô cùng hấp dẫn...

Nhiều du khách tham quan, thắp hương tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Ảnh: NGUYỄN THANH

Nhiều du khách tham quan, thắp hương tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Ảnh: NGUYỄN THANH

Lên đỉnh Vân Sơn

Nhận lời mời của người quen là dân gốc Tây Ninh, tôi trở lại vùng đất đã từng quen thuộc nhưng luôn chuyển mình để trở thành mới lạ và thu hút những du khách khó tính nhất. Khởi hành từ sáng sớm, khi còn cách núi hàng chục cây số đã thấy mây vờn trên đỉnh núi và sương mù trôi lãng đãng làm cảnh vật trông càng huyền ảo. Người bạn bảo rằng hình dáng thẳng đứng thoắt ẩn thoắt hiện trong mây là tượng Phật Quan Âm mới xây dựng, cùng hạ tầng liên quan đã hoàn thành chỉ trong 18 tháng. Con đường thênh thang rẽ vào núi dày đặc các sạp hàng dài hơn hai cây số chuyên bán hoa cho du khách mang lên chùa. Bãi xe mênh mông dài hơn 500m dưới chân núi với sức chứa hàng ngàn xe được phân chia từng khu vực cho các cỡ xe, và các xe phải chen chúc nhau để có được chỗ đỗ an toàn.

Trong năm 2022, bạn chỉ cần mua vé đi cáp treo, mặc nhiên được xem như vé vào cổng vì đó là phương tiện duy nhất để lên núi từ ga cáp treo Bà Đen. Hiện có hai tuyến cáp đi từ nhà ga này, nằm trên độ cao 42m với diện tích gần 11.000m2 được công nhận là nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới.

Tuyến cáp số 1 từ chân núi lên đỉnh núi (đến ga Vân Sơn ) dài 1.847m với 113 ca bin, mỗi ca bin chở được 10 người, thời gian đi là 8 phút. Tuyến số 2 từ chân núi lên chùa Bà (đến ga Chùa Hang) dài 1.210m, có 78 ca bin cùng loại, thời gian đi là 5 phút. Muốn lên cả hai địa điểm thì phải mua hai vé khác nhau, sau khi thăm điểm đầu thì trở lại ga chân núi và tiếp tục đi điểm sau. Vào ga xong là phải đi tiếp mấy tầng thang cuốn mới đến khu vực lên ca bin kể cả ở ga đầu (ga Bà Đen), ga trên đỉnh núi (ga Vân Sơn ), ga Chùa Hang để tham quan các khu vực khác nhau.

Công nghệ cao phục vụ con người thật tuyệt vời. Trong hành trình lên núi vào sáng sớm có lúc sương mù lãng đãng vây quanh ca bin làm cho tầm nhìn chỉ còn vài mét. Qua khỏi màn sương thì nhìn thấy sườn núi nhấp nhô, cánh đồng bát ngát, những cánh rừng cao su bạt ngàn, hồ Dầu Tiếng mênh mông.

Cáp treo lên ga Chùa Hang. Ảnh: NGUYỄN THANH

Cáp treo lên ga Chùa Hang. Ảnh: NGUYỄN THANH

Quần thể núi Bà Đen gồm ba ngọn núi là núi Heo, núi Phụng và núi Bà, trong đó núi Bà có đỉnh Vân Sơn cao chót vót 986m lẫn trong mây trắng bồng bềnh. Trên núi, các công trình kiến trúc Phật giáo đã hình thành từ hơn 300 năm nằm lẩn khuất trong rừng cây xanh rì và đá núi chập chùng, được tôn tạo và bổ sung ngày càng phong phú, hấp dẫn.

Đến ga Vân Sơn, dù còn sớm nhưng đã có hàng trăm người tập trung dưới chân tượng Phật Bà hoặc tựa vào tường bảo vệ ngắm cảnh dưới núi. Tượng này được gọi là Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn vì các nhà tạo tác đã tham khảo nhiều tượng Quan Âm Bồ Tát, cuối cùng chọn mẫu tượng cổ ở Khu di tích quốc gia Bổ Đà Sơn tỉnh Bắc Giang và Tây Ninh là nơi đặt tượng. Chiều cao tượng kể cả đài sen và khu triển lãm văn hóa Phật giáo bốn tầng là 72m, đạt đồng thời hai kỷ lục “Tượng Phật bằng đồng cao nhất châu Á trên đỉnh núi” và “Tượng Phật bằng đồng cao nhất Việt Nam trên đỉnh núi”.

Trên đỉnh Vân Sơn có hai phiến đá khắc chiều cao núi để du khách chụp hình lưu niệm. Hàng trăm gốc hoa xứ lạnh đủ các loại như thạch thảo, cẩm tú cầu, ly ly, tulip nhiều màu... nở rực rỡ như đón chào du khách và có cả một mô hình cối xay gió Hà Lan ngộ nghĩnh đặt bên hông nhà ga cáp treo.

Điện bà và những kiến trúc tôn giáo xung quanh

Khi chưa có hai tuyến cáp treo mới lên núi và các công trình trên đỉnh Vân Sơn thì du khách và người hành hương có ba lựa chọn để lên khu vực chùa Bà. Một là đi bộ lên 1.500 bậc cấp, hai là đi cáp treo loại ca bin hai chỗ ngồi, ba là sử dụng hệ thống máng trượt. Khu vực chân núi phía này hiện vẫn hoạt động bình thường nhưng không thể lên đỉnh Vân Sơn.

Toàn cảnh núi Bà Đen. Ảnh: NGUYỄN THANH

Toàn cảnh núi Bà Đen. Ảnh: NGUYỄN THANH

Lên đến ga Chùa Hang của tuyến cáp treo mới, khách sẽ theo các tầng thang cuốn và các bậc đá quanh co để thăm chùa Hang (Linh Sơn Long Châu), chùa Linh Sơn Hòa Đồng men theo chùa chính (Linh Sơn Tiên Thạch) với tượng Phật nhập Niết Bàn trên đường đi đến. Không có kích thước to lớn như tượng Phật trên núi Tà Cú (Bình Thuận) hay ở chùa Hội Khánh tỉnh Bình Dương nhưng từ chỗ Phật nằm nhìn xuống chân núi là góc nhìn tuyệt đẹp. Cao nhất là chùa Quan Âm phải đi thêm hàng trăm bậc đá dốc đứng nên ít khách nào đi đến. Điểm nhấn của khu vực này là Điện Bà thờ Linh Sơn Thánh Mẫu và chùa Linh Sơn Tiên Thạch có lịch sử 300 năm tuổi. Sau nhiều lần trùng tu, các công trình vẫn giữ được nét cổ kính và trang nghiêm. Nhà ga bốn tầng cũng được thiết kế bên ngoài hài hòa với tổng thể xung quanh.

Điện Bà chỉ là một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành động với vòm cao 2,5m, phía trước xây gian nhà thờ dài 8m để khách thập phương thờ cúng Linh Sơn Thánh Mẫu, Thần Tài, Thổ Địa. Tuy nhỏ bé nhưng từ hàng trăm năm nay, đây là nơi khách đến đông nhất. Ngày 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày lễ vía Bà đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Tín ngưỡng thờ nữ thần được xem là điểm dung hòa văn hóa của người Việt, Champa và Khmer, điều này không lạ vì Tây Ninh là miền đất phên giậu, nơi ngày xưa các đoàn quân chinh phạt của ba nước đã chà đi, xát lại nhiều lần và biên giới cũng qua bao phen thay đổi. Sát bên Điện Bà là chùa Linh Sơn Tiên Thạch có chánh điện rộng hơn 200m2 và tượng Phật Thích Ca cùng các vị Bồ Tát, La Hán. Hai cột đá xanh tạc hình rồng cao 4,5m và rộng cỡ người lớn ôm, tạc từ hơn trăm năm vẫn còn trong chánh điện. Mặt trước thờ Phật Di Lặc và Tiêu Diện. Khai sơn từ giữa thế kỷ XVIII đến nay đã qua 11 đời trụ trì, mỗi đời là một quá trình khai phá, xây dựng gian lao (vì chiến tranh tàn phá) để có dáng vẻ như ngày nay.

Trời đã vào buổi trưa, du khách lần lượt ra ga cáp treo xuống núi. Trên đường xuống, những ca bin đi lên thưa người hơn, có lẽ khách đang nghỉ trưa để chờ lên núi vì đón hoàng hôn, sương mờ khi chiều xuống và thưởng ngoạn quang cảnh về đêm cũng là một lựa chọn đã được người đi trước truyền kinh nghiệm lại.

Chia tay Bà Đen, lòng tự nhủ chắc chắn rằng sẽ trở lại vì Tây Ninh đối với tôi có nhiều ân tình sâu sắc, từng ghi dấu những kỷ niệm khó phai và là nơi nhiều người thân, người bạn đang sống và góp phần cho bản sắc của vùng đất này.

Trong năm 2022, bạn chỉ cần mua vé đi cáp treo, mặc nhiên được xem như vé vào cổng, vì đó là phương tiện duy nhất để lên núi từ ga cáp treo Bà Đen. Hiện có hai tuyến cáp đi từ nhà ga này, nằm trên độ cao 42m với diện tích gần 11.000m2, được công nhận là nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới.

NGUYỄN THANH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/274586/chinh-phuc-noc-nha-mien-dong-nam-bo.html