Chính quyền cơ sở đổi đất sai quy định, người dân 10 năm đòi quyền lợi
Quyền lợi của bà Nguyễn Thị Đường và Nguyễn Thị Tường ở thị trấn Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh) bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự tắc trách, tùy tiện của chính quyền địa phương.
Tháng 2/2015, xã Kỳ Đồng (nay là thị trấn Kỳ Đồng) vận động 2 hộ dân ở tổ dân phố Hải Vân đổi đất vườn lấy đất ở tại các khu quy hoạch mới để địa phương mở rộng khuôn viên trụ sở, có mặt bằng xây dựng hội trường xã.
Theo cuộc “giao dịch” này, bà Nguyễn Thị Đường (SN 1964) sẽ đổi 174m2 đất vườn sát tường rào trụ sở xã để lấy thửa đất số 39 ở khu quy hoạch đất ở dân cư Đồng Trụ Tây với diện tích 240m2; bà Nguyễn Thị Tường (SN 1954) sẽ đổi 117m2 đất vườn sát tường rào trụ sở xã để lấy thửa đất số 30 ở vùng Trạng Voi với diện tích 240m2. Nhưng 10 năm đã trôi qua mà 2 hộ dân này vẫn chưa nhận được đất cấp đổi, cuộc “giao dịch” chỉ xảy ra 1 chiều.

Các hộ dân phản ánh sự việc với phóng viên.
Bà Nguyễn Thị Tường bức xúc: “Chính quyền địa phương lúc đó làm việc rất tùy tiện, nóng vội, thiếu dân chủ. Tôi nhớ rất rõ, vào ngày 9/2/2015, tôi đang ở trong nhà thì nghe tiếng máy múc nên chạy ra xem. Lúc đó, xe máy đang cào phá tường rào, công trình phụ, cây cối sau vườn nhà. Tôi đứng ra ngăn cản thì lãnh đạo xã cho biết là cần lấy đất để xây dựng hội trường xã; đất vườn thu hồi sẽ được cấp đổi cho gia đình bằng 1 lô đất ở tại khu vực khác. Lúc đó tôi không đồng tình và yêu cầu xã phải thỏa thuận, cam kết rồi mới được làm. Ngay ngày hôm đó, chúng tôi đã làm việc và đi đến các thỏa thuận như trên”.
“Tôi rất bức xúc vì 10 năm nay phải lên chính quyền địa phương hàng chục lần nhưng vẫn không được giải quyết. Đáng nói hơn, khi chồng tôi bị bệnh ung thư (mất cách đây gần 5 năm), kinh tế kiệt quệ nên đã lên xã xin được nhận tiền đền bù (không lấy đất cấp đổi nữa) để có kinh phí chữa trị nhưng chính quyền vẫn im lặng” - bà Tường chia sẻ.

Sau khi phá bỏ tường rào của các hộ dân để xây hội trường, chính quyền đã không thực hiện hoàn trả.
Còn bà Nguyễn Thị Đường lo lắng: “Chúng tôi gương mẫu, sẵn sàng hy sinh quyền lợi để xây dựng bộ mặt trung tâm hành chính xã nhưng đổi lại chỉ nhận được sự thiệt thòi, bức xúc. Hơn 10 năm phải chạy đôn chạy đáo đi đòi quyền lợi nhưng chẳng được gì ngoài vườn tược tan hoang, tường rào không có, mưa lụt về là toàn bộ nước thải từ công trình vệ sinh của trụ sở xã chảy thẳng xuống vườn… Đặc biệt, hiện chúng tôi đang rất bất an vì sắp tới sẽ giải thể huyện, sáp nhập xã; lúc đó chúng tôi không biết đi đâu để đòi quyền lợi và ai sẽ đứng ra giải quyết tồn đọng này?”.
“Quyền lợi của chúng tôi bị xâm hại từ lâu nên đề nghị chính quyền địa phương phải tập trung giải quyết sớm, dứt điểm. Chúng tôi không đòi hỏi, mặc cả phải lấy đất hay tiền, số lượng nhiều hay ít, mà chỉ yêu cầu thực hiện sớm, đảm bảo quyền lợi theo quy định của pháp luật” - bà Đường mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Đường trình bày về phần đất địa phương đã lấy của gia đình để xây dựng công trình nhà văn hóa.
Làm việc với PV, lãnh đạo địa phương đã thừa nhận sai sót trong vụ việc này. Ông Nguyễn Đình Tuệ - Chủ tịch UBND thị trấn Kỳ Đồng thẳng thắn: “Thời điểm đó, địa phương đã làm sai quy trình đầu tư, chưa đúng quy định trong GPMB, thực hiện việc đổi đất sai quy định, không kiểm đếm và đo đạc để lập hồ sơ đầy đủ… Điều này dẫn đến phát sinh vụ việc phức tạp, kéo dài và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các hộ dân có liên quan”.
Cũng theo ông Tuệ: “Vấn đề này đã được thanh tra và các phòng, ngành chức năng làm rõ. Chính quyền địa phương đã nhiều lần làm hồ sơ cấp đất cho các hộ trình lên huyện nhưng do xã đổi đất trái thẩm quyền, hồ sơ thủ tục chưa đầy đủ, không có căn cứ pháp lý để cấp đất ở vị trí mới… nên các phòng, ngành chức năng không nhận hồ sơ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị các phòng, ngành chức năng của huyện hỗ trợ và tập trung vào cuộc xử lý”.

Phóng viên Báo Hà Tĩnh làm việc với Chủ tịch UBND thị trấn Kỳ Đồng Nguyễn Đình Tuệ
Ông Nguyễn Quang Linh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với các hộ dân và sai sót này thuộc về chính quyền địa phương. Nhưng tại thời điểm này chưa có phương án giải quyết dứt điểm vì hiện không có quy định nào cho phép huyện, xã được “đổi đất”. Chúng tôi sẽ đôn đốc, chỉ đạo các phòng, ngành liên quan phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hồ sơ và tìm phương án xử lý hiệu quả nhất để sớm đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Hội trường thị trấn Kỳ Đồng được xây trên phần đất của các hộ dân giáp ranh với trụ sở địa phương.
Sự tắc trách, tùy tiện của chính quyền địa phương đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong thời gian dài. Thiết nghĩ, các cấp, ngành cần tập trung vào cuộc để xử lý tốt các vấn đề vướng mắc, tồn đọng có liên quan nhằm giải quyết vụ việc theo hướng đúng lý, hợp tình, tôn trọng quyền lợi của người dân. Trước mắt, chính quyền địa phương cần trực tiếp làm việc, tuyên truyền, vận động, chia sẻ với các hộ bị ảnh hưởng để tránh kiện tụng, đơn thư vượt cấp, phát sinh tình huống phức tạp không đáng có.